Thơ hay khi tình dang dở

Thứ Sáu, 14/02/2014 12:50 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Tập thơ nào, bài thơ nào là thơ tình đầu tiên của Việt Nam? Nhà thơ nào được yêu quý nhất khi làm thơ tình? Vì sao các nhà thơ đều làm thơ tình?

Nhà thơ Lê Minh Quốc

Nhà thơ Lê Minh Quốc

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc trả lời các câu hỏi đó nhân ngày Lễ Tình nhân (14/2) với bạn đọc TT&VH.

* Gần như nhà thơ nào cũng làm thơ tình, là một nhà thơ đồng thời cũng viết nhiều sách khảo cứu, anh lý giải việc này ra sao?

- Tôi nghĩ, dẫu lang thang trên trời, ăn bông hoa, hít thơ hư ảo từ thượng tầng không khí đi nữa thì đời thật, cõi trần gian hỉ, nộ, ái ố này vẫn là nơi nhà thơ quay về, sống từng ngày và tìm cảm hứng cho thơ. Lúc từ bỏ cõi tạm, Chế Lan Viên nhẹ nhàng bảo: “Anh không ở lại yêu hoa mãi được/ Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa/ Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó”. Vâng, phải có tình yêu để nuôi cảm hứng cho thơ.

Nhà thơ gì thì gì cũng là kẻ người trần mặt thịt. Thánh thần ma quỷ còn phải chết ngất khi tình phụ, tình buồn thì huống gì các nhà thơ? Dẫu thơ có gánh vác sứ mệnh xã hội gì đi nữa, tình yêu vẫn gắn bó với nhà thơ trong từng nhịp thở. Khi có nhu cầu thôi thúc của nội tại, họ không thể không viết. Phải viết bởi trái tim đang đập vỡ toang lồng ngực, đang gào lên nỗi đau yêu thương, niềm vui tuyệt vọng. Do đó, những bài thơ tình của các nhà thơ đã được viết ra là một lẽ tự nhiên.

* Theo anh, câu thơ nào là lời tỏ tình đầu tiên (sớm nhất) trong văn học Việt Nam?

- Trả lời câu hỏi này không dễ dàng, do các lý do: Thơ văn của cha ông ta, trải qua biết bao binh đao, hỏa hoạn, chiến tranh đã mất mát nhiều. Không riêng tôi mà có lẽ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cũng bó tay.

Tuy nhiên, theo tôi, tập thơ tình đầu tiên của Việt Nam, thơ tình thứ thiệt chính là tập Khuê ai lục của Tiến sĩ Ngô Thì Sỹ (1726- 1780). Trước ông, chưa có một nhà thơ nào viết những bài thơ tình tuyệt hay và thống thiết đến thế. Tập Khuê ai lục viết năm 1770, có thể chọn là năm đánh dấu cho tiêu chí “đầu tiên (sớm nhất)” sự ra đời của thơ tình Việt Nam có được không? Xin được lĩnh hội ý kiến các học giả, nhà nghiên cứu uyên bác.

* Và những câu thơ nào là câu thơ tỏ tình dễ thương nhất mà anh biết được?

Với tôi, tôi chọn lấy Ba tiêu của thiên tài Nguyễn Trãi:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem

Ngẫm nghĩ kỹ, ta mới thấy hết sức sống, sự trinh nguyên, hăm hở, gọi mời dâng hiến và cũng đầy dục tính trong bài thơ Ba tiêu. Từng câu thơ kín đáo mà gợi cảm, gợi mở và cũng gợi dục thanh thoát tràn trề sức sống. Ôi thơ ơi! Làm thơ đạt đến sự cao siêu, tuyệt bút khó vậy thay. Để dễ hiểu hơn tuyệt bút Ba tiêu của thiên tài Nguyễn Trãi, tôi nghiêm cẩn “diễn nôm” rằng: Ngày xuân, do bén hơi xuân nên hình hài, thân xác của nàng đã tốt tươi, nay lại tươi tốt hơn thêm. Thêm mơn mởn xuân tình. Thêm căng đầy sức sống. Vì thế, hương thơm tho lạ lẫm, từ nàng, đã phiêu du, phiêu bồng, lãng đãng thâu đêm trong phòng. Mà tình của nàng còn e ấp lắm, còn rụt rè lắm - tựa phong thư vẫn còn niêm kín. Hỡi trang tài tử phong lưu là gió, muốn xem thì hãy nhẹ tay, nương nhẹ nhàng…


Bìa tuyển tập thơ của Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình Việt Nam”

* Nếu được bình chọn, trong các nhà thơ Việt Nam, anh chọn nhà thơ nào làm được nhiều câu/bài thơ tình hay nhất?

- “Đáp án” của câu trả lời, ắt trùng với suy nghĩ của nhiều người, đó chính là nhà thơ Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình Việt Nam”.

* Để có một bài thơ tình hay, nhà thơ phải trải qua một cuộc tình trọn vẹn hay “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”?

- Tùy mỗi nhà thơ, sẽ có cách lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ, trong tình yêu khi sống trong tâm trạng “no xôi chán chè” chả mấy ai háo hức làm thơ tình nữa. Nếu có, cũng khó hay. Đọc kỹ lại thơ tình cổ kim, hầu hết những bài thơ tình ghim lại trong trí nhớ bạn đọc đều viết trong tâm cảnh dở dang, bùi ngùi, tuyệt vọng: “Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thâu/ Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu/ Mà nguời gieo thảm như hầu không hay…”. Bài thơ tuyệt tác Tình tuyệt vọng của Félix Arvers do Khái Hưng dịch là một ví dụ.

Còn tôi thì sao? Khi đọc những tập thơ tình của tôi, nhà biên kịch Đoàn Tuấn nhận xét: “Thơ tình của Quốc cũng là nỗi lòng của một người đa mang thường xuyên... thất tình: “tưởng lúc ấy tôi sẽ đi theo đường khác/ nhưng than ôi đường khác cũng đường này/ những con đường chỉ tay/ có cách nào thay đổi?”. Nhưng ám ảnh nhất, theo tôi, vẫn là lời cầu xin mà đọc qua một lần là nhớ mãi: “xin hãy thương tôi một ngày kia khép mắt/ trong con ngươi còn giữ bóng hình em”. Đó là một trong khá nhiều câu thơ, bài thơ ấn tượng của Lê Minh Quốc ”.

Quả thật như thế, những bài thơ tình của tôi phần nhiều đều viết từ những cuộc tình sóng gió, bất trắc và không trọn vẹn.

* Xin cảm ơn nhà thơ!

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›