Dẫu hiện nay thơ in nhiều mà người đọc ít,rồi thơ dở tràn lan song các diễn giả, người yêu thơ tại tọa đàm Thơ hiện nay với hôm nay trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2023 vừa qua vẫn cho rằng không nên quá bi quan về diện mạo thơ hôm nay.
Nói như nhà thơ Trần Anh Thái (Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam), "người bàn cứ bàn, người phê phán cứ phê phán, thơ ca bất chấp mọi khen chê vẫn hiển nhiên tồn tại. Nó tồn tại như nó vốn thế, như thần thánh, như tự nhiên sinh ra. Không khuất phục ý chí chủ quan của con người".
Đâu chỉ tại nhà thơ
Nói như vậy không phải để buông xuôi, mặc kệ cho thơ muốn ra sao thì ra, hay dở, tốt xấu, lẫn lộn… hơn thế phải nhìn nhận thơ hôm nay bằng con mắt đa chiều. Đơn cử, nguyên nhân của những nghịch lý thơ hôm nay đâu chỉ riêng tại nhà thơ. Nói rộng hơn những người làm công việc liên quan đến thơ (như các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản thơ, các nhà phê bình, các nhà quản lý về văn hóa nghệ thuật) hay cơ chế, chính sách cũng góp phần đến cái hay, cái dở của thơ.
Cụ thể, theo nhà thơ Trần Anh Thái, "các tờ báo, nhà xuất bảnnuông chiều thơ non yếu. Họ không dám sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ dở, gạt bỏ cái ấu trĩ, tầm thường ra khỏi đời sống thơ ca lành mạnh. Chính vì vậy mà thơ chất lượng thấp có cơ hội lên ngôi. Thơ chưa đạt chất lượng không bị khước từ thì đương nhiên, một đất nước thơ ca như chúng ta, đâu đâu cũng gặp nhà thơ, đâu đâu cũng có giải thưởng, danh hiệu thơ, thì thơ không bị bạn đọc lạnh nhạt mới là chuyện lạ".
Trong khi đó, nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương nhấn mạnh đến nguyên nhân do công tác biên tập. "Biên tập quá dễ dãi. Những tập thơ còn non yếu được ra đời ngày một nhiều. Về số lượng hoàn toàn lấn át các tập "đọc được". Một tập thơ vào loại "đọc được" như đang ngạt thở dưới 3, 4 chục tập "chưa nên in" che lấp ở phía trên" - ông Phương nói thêm - "Đã thế lại không một chỉ dẫn nào của giới xuất bản, giới phát hành hoặc các nhà phê bình giúp bạn đọc cách tìm ra nó".
Công tác phê bình ở đây cũng là một vấn đề đáng nói trong những nghịch lý về thơ hôm nay.Nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng: "Làm thơ bị độc giả quay lưng vì nền phê bình văn học nói chung và phê bình thơ nói riêng đang trong thời kỳ suy thoái. Hầu hết các bài phê bình thơ hiện nay là những bài giới thiệu sách, nặng về tán tụng, vuốt ve mà thiếu hẳn sự mổ xẻ, phân tích thấu đáo, 2 chiều".
Không quá phiền lòng
Công bằng mà nói, ngoài những mặt kém yếu, thậm chí là nghịch lý, thơ ca hôm nay vẫn có riêng cho mình một vị trí và thành tựu nhất định.
Nhà thơ Trần Anh Thái dẫn chứng: "Thơ ca nhiều năm gần đây đã có một đời sống mới, một diện mạo mới. Bằng chứng là nó đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, các khuynh hướng thơ ca, các phong cách sáng tác. Nói một cách chính xác thì thơ hiện nay mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng các thể hiện cũ, mới, quen, lạ, vừa giống vừa không giống ai".
Ông Thái nói thêm: "Các nhà thơ một mặt đi sâu vào khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội. Có lẽ không một nhà thơ nào lại không viết hoặc chí ít nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí cả những vấn đề lớn lao của đất nước, về sự mất còn của dân tộc, về thân phận con người đang hiện diện trong đời sống hôm nay. Đó là thành tựu và cũng là sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nhà thơ trong nhiều năm vừa qua".
Còn chuyện thơ hay dở, non yếu, kém đuối, hay bạn đọc quay lưng với thơ… thì ở một chừng mực nào đó, thời gian và sự cảm nhận của mỗi người sẽ là câu trả lời rõ ràng và xác đáng nhất. Như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói: "Thơ hay không cần phải giải thích, lĩnh hội nhiều, cứ đọc lên là ta thấm ngay được cái phần tâm linh, hồn xác của câu chữ. Thứ thơ dễ dãi "đong đưa" dường như không có sức sống cùng thời gian. Hành trình khắc nghiệt của thơ ca sẽ loại bỏ những thứ thơ đó. Thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo tinh thần của con người".
Mặt khác, theo nhà thơ Trần Anh Thái, với những mặt chưa tốt, thơ hôm nay cũng không cần quá phiền lòng. Bởi lẽ, "bất chấp mọi sự khen chê, mọi sự thờ ơ, lạnh nhạt của người đọc, thơ vẫn như chính nó, tồn tại và có sức sống bền lâu. Tuy nhiên, để thơ đạt tới một chất lượng cao hơn, có tính phổ quát hơn, chỉ cần các tờ báo, các nhà xuất bản, các nhà thơ không bằng lòng chiều chuộng thơ chất lượng thấp, danh hiệu, giải thưởng tràn lan".
Ông Thái nhấn mạnh thêm: "Nói cho công bằng, thơ chất lượng thấp thời nào mà chẳng có. Và rốt ráo nữa, nó cũng chẳng phương hại đến ai. Mọi kỹ nghệ tô son đánh bóng, mọi hư danh hão huyền, nếu không được hô ứng, tự nó sẽ bị thời gian vùi lấp. Nó không có khả năng tồn tại nếu sinh ra trong một môi trường văn hóa lành mạnh. Một đời sống văn hóa đủ tự trọng và liêm sỉ để chối bỏ sự dung tục, tầm thường".
Còn nhớ, khi diễn ra tọa đàm Thơ hiện nay với hôm nay, khán phòng chật kín, người tham gia đông đảo đến độ phải sử dụng thêm cả ghế nhựa hoặc phải đứng dự khán. Điều này chứng tỏ sự quan tâm, tình yêu với thơ ca hôm nay nơi bạn đọc chưa bao giờ nguội lạnh, thờ ơ.
Và đó là những tín hiệu khiến chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan rằng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với những "nhịp điệu mới" sẽ tiếp tục được nối dài, để thơ ca thực sự được tôn vinh đúng nghĩa với vị trí của nó - vị trí "duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Một thế đẹp, lộng lẫy, nhưng cũng không kém chông gai" -như lời nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
"Để thơ đạt tới một chất lượng cao hơn, có tính phổ quát hơn, chỉ cần các tờ báo, các nhà xuất bản, các nhà thơ không bằng lòng chiều chuộng thơ chất lượng thấp…" - nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ.
Tags