“Góp giỗ” Hoàng Cầm bằng bộ ảnh “độc”

Thứ Sáu, 22/04/2011 11:09 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Còn hơn 10 ngày nữa mới đến giỗ đầu “người thơ xứ Kinh Bắc” Hoàng Cầm (6/5/2010) nhưng từ 9h sáng nay, (22/4) Hội Nhà văn Hà Nội, Công ty VH&TT Nhã Nam và nhiều bạn bè của cố nhà thơ Hoàng Cầm đã tề tựu tại 19 Hàng Buồm để làm giỗ đầu cho ông bằng cuộc tọa đàm mang tên Hoàng Cầm - Mắt thời gian.

1. “Góp giỗ đầu” Hoàng Cầm hôm nay, Công ty Nhã Nam chính thức phát hành một tuyển tập thơ Hoàng Cầm dày ngót ngét 600 trang với những thi phẩm quan trọng nhất, là cột mốc, là cốt yếu trong đời sống sáng tác của Hoàng Cầm cùng các thủ bút, di cảo của tác giả Lá diêu bông.

Nhà sách Đông Tây của “gã đầu bạc” Đoàn Tử Huyến dù chưa xuất bản nhưng đã lộ thông tin đang rục rịch chuẩn bị xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết của nhiều nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học về Hoàng Cầm (dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc chính giỗ Hoàng Cầm, ngày 6/5 - PV); các nhà văn nhà thơ khác góp giỗ bằng những tham luận, những mẩu chuyện về đời và thơ Hoàng Cầm.

Còn Nguyễn Đình Toán - người được chính Hoàng Cầm đặt biệt danh “cún săn” trong chuyến đi bộ xuyên Việt đình đám chục năm trước, lại “góp giỗ” bằng chùm 22 ảnh chưa từng công bố về Hoàng Cầm mà ông đã “chộp” được từ năm 1982 đến trước khi Hoàng Cầm “hạc giá quy tiên”.

Hoàng Cầm với 3 người con trai chụp bên sông Đuống, ngày 24/2/2002

Thực ra, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã mất hơn hai đêm thức trắng để chọn được không phải 22 ảnh, mà chính xác là 33 ảnh. Ông rửa đen trắng khổ 60x90cm với giá 300 ngàn đồng/bức ảnh rồi tự mình đem đến 19 Hàng Buồm từ chiều qua (21/4) rồi lại tự mình loại đi 10 bức (chủ yếu là những bức gần như trùng nhau về bối cảnh), chỉ trưng lên giá 22 bức.

“Đó là chủ ý của tôi” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nói - “Số 22 là số gắn với Hoàng Cầm. Cụ sinh ngày 22/2/1922. Hôm nay tổ chức giỗ đầu cho cụ cũng vào ngày 22. Thế nên tôi nghĩ chỉ nên giới thiệu 22 bức ảnh là ý nghĩa nhất để không chỉ cho mọi người được dịp thấy lại những khoảnh khắc đời thường trước đây của cụ mà còn là nén tâm nhang của tôi dâng lên cụ - một người tôi kính trọng và mến mộ cả về nhân cách lẫn tài năng”.

22 bức ảnh Nguyễn Đình Toán chụp nhà thơ Hoàng Cầm được cho là ảnh độc bởi đây là lần đầu tiên, qua ngày giỗ đầu này nhiều người mới được chiêm ngưỡng. 22 bức ảnh là 22 khoảnh khắc khác nhau ở những địa danh khác nhau về cùng một nhân vật - Hoàng Cầm. Dù ở góc máy nào, Hoàng Cầm cũng toát lên được thần thái của mình, nhất là ở đôi mắt và cái miệng.

Nguyễn Đình Toán tự nhận xét: “Xem đi xem lại, tôi thấy cụ đẹp nhất là đôi mắt và cái miệng. Nó cứ vời vợi những suy tư trầm mặc nhưng vẫn cho thấy cụ là người tài hoa, đa tài nhưng cũng rất chênh vênh cho một cái gì đó cũng rất bền bỉ...”

Trong 22 bức ảnh chụp Hoàng Cầm lần đầu tiên công bố này, người xem không chỉ được gặp lại Hoàng Cầm mà còn được gặp lại một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác như: Hoàng Cầm đang châm lửa cho Phùng Quán hút thuốc lào, rồi cùng nhau hàn huyên văn chương tại nhà riêng Phùng Quán ngày 12/12/1994; Hoàng Cầm thăm nhà thơ Phùng Cung tại bệnh viện Sain Paul trước khi Phùng Cung mất chụp ngày 6/5/1997; bữa cơm cùng bạn văn chương và con gái Kiều Loan năm 1997 nhân dịp Kiều Loan về nước; với Nguyễn Đình Thi năm 1993 hay bức Hoàng Cầm đang ngồi đặt giấy lên gối viết “thư tình” cho một người mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng biết nhưng từ chối tiết lộ danh tính. Ông chỉ nói: “Người nhận được bức thư kèm một bài thơ của cụ vẫn còn sống. Tôi biết, lần mới gặp đây cô ấy bảo: “Em vẫn giữ lá thư và bài thơ... anh ấy gửi em, anh ạ!” (cười).

Ngoài ra, trong bộ ảnh này, người xem cũng được thấy bóc dáng “thời đương trai” của chính Nguyễn Đình Toán qua bức ảnh chụp tự động chung với Hoàng Cầm, nhà thơ Hòa Vang và nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đang ôm vai bá cổ nhau nằm “ngả ngốn” dưới chân biển báo “địa phận tỉnh Quảng Trị” (ảnh) ngày 10/4/1993 trong cuộc đi bộ xuyên Việt của Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc (xem TT&VH ngày 09/05/ 2010).

2. “Đây chưa phải là những bức ảnh cuối cùng về cụ đâu” - Nguyễn Đình Toán khoe - “Vì cập rập nên tôi mới rửa được chừng này thôi chứ thực ra còn nhiều ảnh độc về cụ lắm, nhất là ảnh cụ dùng tiên dược...”. Hỏi thẳng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán về thứ “tiên dược’ đưa cụ Cầm “lên mây” có phải là...? Nguyễn Đình Toán trừng mắt: “Đúng là những khoảnh khắc lên mây của cụ Cầm nhưng không phải là do phê đâu mà là... thuốc lào. Cụ không rít thì thôi chứ đã rít thì sạch khói, phả ra cả mặt khói chứ không phải đường khói. Đẹp gấp vạn mấy cái “câu view” đăng trên blog của tôi nhiều...”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán lần đầu tiên chụp ảnh “liên quan” đến Hoàng Cầm từ năm 1982. Đó là 4 cú bấm máy chớp nhoáng 4 bài thơ viết tay của Hoàng Cầm trước khi toàn bộ bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc, do Văn Cao vẽ bìa, Bùi Xuân Phái minh họa (6 bức họa) bị tịch thu. Đó là các bài: Cây tam cúc, Cỏ Bồng thi, Qua vườn ổi Lá diêu bông. Hiện nay, cả 4 cú bấm máy này vẫn đang được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán lưu trữ bằng phim âm bản.

Nguyễn Đình Toán chứng minh lời nói của mình bằng một chi tiết: “Khi tôi chụp bài Cây tam cúc, đến câu: Chị gọi đôi cây! Trầu cay má đỏ. Nhưng lại xóa chữ cay đi và thay kế vào đó bằng chữ say. Như vậy, cụ đã sửa thành Trầu say má đỏ. Vì thế, tôi nghĩ, bản thảo bây giờ nếu in thì phải: Chị gọi đôi cây! Trầu say má đỏ mới “đúng ý cụ”. (Hầu hết bản in bài thơ Cây tam cúc của Hoàng Cầm hiện nay vẫn in là: Chị gọi đôi cây! Trầu cay má đỏ - PV)

Mới chỉ chụp được 4 bài thơ trong tập bản thảo viết tay tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, và cho đến nay dù đã cố công rất nhiều lần nhưng “cún săn” vẫn không thể biết nó bị thất lạc ở đâu.

“Có thể là do công tác lưu trữ của mình kém, hoặc có thể ai đó “nhặt được”, đọc thấy hay, thấy quý “ỉm đi” cho riêng mình. Nhưng được thế có khi còn hy vọng chứ mà mất hẳn rồi thì... tiếc lắm!”

Khôi Nguyên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›