Ngày 6/7, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa "bật đèn xanh" cho việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này trong cuộc họp ba bên diễn ra cùng ngày ở Brussels (Bỉ), song các bên đã nhất trí nhóm họp trở lại vào ngày 10/7 tới tại Vilnius, Litva.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Jens Stoltenberg đánh giá cuộc họp giữa ông và đại diện của Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra "hiệu quả", đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng Thụy Điển trở thành thành viên của NATO. Ông cho biết thêm sẽ tổ chức cuộc họp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra tại Litva vào ngày 11-12/7 tới. Cũng theo người đứng đầu NATO, Thụy Điển đã thể hiện thiện chí khi có sự điều chỉnh theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ như sửa đổi Hiến pháp và đưa ra dự luật mới về chống khủng bố, dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Ankara...
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ghi nhận những điều chỉnh của Thụy Điển, song nhấn mạnh những điều chỉnh này cần gắn với hành động thực tế. Ông Fidan nêu rõ các quốc gia muốn gia nhập NATO phải có lập trường vững chắc trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đánh giá cuộc họp đã đạt được tiến bộ và nước này mong đợi "một quyết định tích cực vào tuần tới".
Thụy Điển cùng với Phần Lan đã xúc tiến các thủ tục gia nhập NATO vào năm ngoái, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hai nước này chứa chấp các thành viên của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị xem là một nhóm khủng bố, cũng như các thành viên của phong trào Gulen bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Để trở thành thành viên của NATO, cần phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên hiện nay của khối quân sự này phê chuẩn. Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4 vừa qua sau khi được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn vào cuối tháng.
Tags