(Thethaovanhoa.vn) - Sống ở thời Victoria ở Anh, thời mà trẻ em bị răn đe “chỉ nên để người ta nhìn thấy mặt, chớ để bị nghe thấy tiếng”, nữ nhà văn Beatrix Potter đã viết về những đứa trẻ nghịch ngợm và phản kháng.
Đó cũng là lý do khiến Beatrix Potter (1866 - 1943), tác giả bộ truyện về chú thỏ Peter, là người mở lối cho nền văn học thiếu nhi hiện đại của thế giới.
Tác phẩm của bà vẫn có sức sống cùng thời gian nhờ vượt lên những quy tắc khắt khe, đưa thiếu nhi đến với một thế giới loài vật sống động, tinh quái, vượt ra ngoài khuôn khổ. Potter là đỉnh cao trong “thời kỳ vàng” của văn học thiếu nhi không chỉ bởi kể chuyện hay mà còn nhờ triết lý mới mẻ: một cuốn sách thiếu nhi nên nhỏ nhắn vừa vặn với bàn tay trẻ em, và mỗi trang đều phải kèm theo một hình minh họa đẹp.
112 năm kể từ lần đầu ra mắt, những câu chuyện về chú thỏ Peter đến nay vẫn có sức hút mạnh mẽ với trẻ em trên khắp thế giới. Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc thời Victoria, trong tuổi thơ của mình, Potter đã tiếp xúc với rất nhiều thú nuôi, thỏ, thằn lằn, kỳ nhông, ếch, côn trùng... Điều đó về sau khiến cho những bức tranh và những câu chuyện về loài vật của bà rất sinh động và hấp dẫn.
Vài tập trong bộ truyện Thỏ Peter do NXB Kim Đồng ấn hành
Tháng 9/1901, bà quyết định tự mình xuất bản cuốn sách Câu chuyện của thỏ Peter. Tình yêu thiên nhiên, yêu loài vật thấm đẫm khiến những tranh minh họa của bà vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, sống động, rạng rỡ và tươi sáng. Trong tranh của Potter, mỗi nhánh cây, ngọn cỏ, mỗi hòn đá đều có tâm hồn, đều đang ẩn chứa một bí mật cần khám phá.
Cách thức sử dụng các nhân vật là loài vật để truyền tải những câu chuyện về con người không phải là điều quá mới mẻ, nhưng trong tác phẩm của Beatrix Potter, bà không khiên cưỡng gán ghép cho các con vật những hoạt động, tính cách của con người, mà thỏ vẫn là thỏ, vịt vẫn là vịt… ở cách biểu lộ cảm xúc, trong từng động tác. Mỗi nhân vật trong tác phẩm của Beatrix Potter đều có nguyên mẫu trong đời thực, đều được bà chăm chút, yêu thương và dành thời gian quan sát tỉ mỉ.
Bản thân Potter từng nói: “Tôi chưa bao giờ hiểu được bí ẩn về sức hấp dẫn của thỏ Peter”. Nhưng có lẽ, thỏ Peter, cũng như nhiều nhân vật khác trong tác phẩm của bà tiêu biểu cho tinh thần phản kháng, bởi trẻ em thời nào cũng thế, luôn tinh nghịch, luôn muốn khám phá những điều mới mẻ, thậm chí có phần mạo hiểm, dù người lớn luôn muốn những đứa trẻ phải thật ngoan ngoãn, dễ bảo.
Ngày nay, những trang sách của Potter vẫn chứa đựng lời nhắn nhủ giản dị với trẻ thơ, rằng phía sau là cả một khu vườn kỳ thú đang vẫy gọi. Các tác phẩm của Beatrix Potter được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, được chuyển thể thành phim truyền hình, phim hoạt hình, ballet.
Mai Châu
Thể thao & Văn hóa
Tags