Song song với hệ thống các tín ngưỡng thờ Mẫu thần, các tộc người ở Việt Nam cũng tạo dựng nên những tục thờ Phụ thần. Các màu sắc tâm linh gắn với tư duy, tập quán và điều kiện địa lý của từng địa phương khác nhau.
Hãy cùng thử khảo sát một số trường hợp tiêu biểu.
Từ non cao…
Ngược lên dải núi Tây Côn Lĩnh tại Tây Bắc, truyền thuyết về vị thủ lĩnh được suy tôn làm "thủy tổ", mang tên Hoàng Vần Thùng vẫn còn sống động trong tâm thức đồng bào người La Chí nơi đây. Sinh thời, ông có công dạy bà con làm ruộng bậc thang, nuôi gà, lợn,… để thoát khỏi cảnh du cư. Sau khi cùng dân đánh đuổi giặc tràn vào cướp phá thôn bản, ông hóa rồng và bay về trời.
Vào năm hạn hán, mất mùa, người dân lập đàn cúng Vần Thùng. Lễ cúng vừa xong, ông xuất hiện dưới linh dạng một đám mây vàng hình rồng, cho mưa suốt 3 ngày, 3 đêm, người dân thoát khỏi hạn hán. Từ đó về sau, họ lập miếu thờ, cứ đến ngày Thìn, tháng Thìn (tháng Ba) âm lịch hàng năm đều làm lễ cúng tế ông, vào năm Thìn tổ chức lễ hội lớn hơn.
Hoàng Vần Thùng được đồng nhất với hình tượng rồng- đại diện cho nguyên tố nước, khởi nguồn của sự sống, đặc trưng trong văn hóa phương Đông. Vì vậy, không khó để có thể lý giải vì sao tín ngưỡng thờ phụng Hoàng Vần Thùng gắn liền với lịch sử nghề trồng lúa nước trên ruộng bậc thang và ước mong mưa thuận gió hòa của người La Chí.
Trong quá trình giao lưu và chung sống dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, các dân tộc khác như Tày, Nùng, Cơ Lao…cũng đã tiếp thu hình tượng Hoàng Vần Thùng vào văn hóa tộc người mình, và tự nhận là con cháu của Ngài. Song, do đặc tính và tư duy của mỗi tộc người, nên đã hình thành những ước vọng khác nhau gửi gắm vào hình tượng này.
Bên cạnh những giai thoại nhuốm màu kì bí, cũng tồn tại ý kiến cho rằng Hoàng Vần Thùng là Hoàng Văn Đồng, một viên thổ ty cai trị vùng đất biên ải khu vực Bắc Hà (Lào Cai), Vị Xuyên (Hà Giang) dưới thời Vua Lê Trang Tông. Dù chưa xác định rõ nhưng có thể nhận định, việc suy tôn Vần Thùng làm Cha và tổ chức lễ cúng thường niên đã trở thành biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa và tính cố kết cộng đồng giữa các cư dân ở chân núi Tây Côn Lĩnh.
Tương tự, khắp miền núi phía Bắc, vẫn còn vang vọng thiên sử thi về sự hình thành 12 họ phổ biến trong cộng đồng người Dao. Trong Bình Hoàng khoán điệp mà bà con mang theo khi thiên di xuống phương Nam có kể rằng, Bàn Hồ - nguyên là một con long khuyển (có thể hiểu là giống chó ở trên trời, mang cả giống nòi của rồng) lập công giúp Bình Hoàng -chủ nhân của mình -tiêu diệt kẻ thù. Để giữ lời với Bàn Hồ, Bình Hoàng đã gả con gái cho ông, và giao cho xuống trấn giữ miền núi phía Nam, tính từ Hồ Động Đình (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay). Sau đó, Bàn Hồ sinh ra 6 người con trai và 6 người con gái, và được ông ngoại ban sắc thành 12 họ khác nhau gồm Bàn, Mãn, Trần, Lan, Đặng, Tống, Phượng, Lương, Uyển, Triệu, Đới, Lưu. Nhằm tỏ lòng tưởng nhớ vị thủy tổ, con cháu các họ người Dao nhiều đời nay đều tổ chức lễ cúng Bàn Vương trong vòng một ngày một đêm vào những tháng cuối năm âm lịch.
Hình ảnh Bàn Vương mang đậm màu sắc tô-tem giáo, gợi ta liên tưởng đến hình tượng vật tổ của người Việt - loài rồng. Đây vốn là một hình thức tôn giáo nguyên thủy, thể hiện niềm tin vào mối quan hệ thần bí giữa con người và đối tượng vật chất khác như động vật, thực vật. Biểu hiện của hình thức ấy là một cộng đồng phải dành cho đối tượng có mối quan hệ mật thiết với tổ tiên mình sự tôn trọng, kính cẩn nhất định.
Đi xuống biển rộng
Từ miền thượng du Bắc Bộ xuôi xuống miền duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, những người ngư dân vùng này từ bao đời đã nam tính hóa, linh thiêng hóa hình tượng cá voi, trở thành vị thần bảo hộ cho những chuyến đi biển.
Người dân vùng Sông Đốc (Cà Mau) còn lưu truyền câu chuyện đậm màu cổ tích về người chồng xấu số bị đắm thuyền, sau khi chết hóa thành cá voi cứu người gặp nạn trên biển. Người vợ vì ra biển tìm chồng mà gặp cơn bão lớn làm chao đảo chiếc thuyền. May sao, lúc ấy, người chồng xuất hiện với hình dạng cá voi, cứu mạng vợ mình, và dặn cô ở nhà làm ruộng, nuôi con khôn lớn.
Sau này, Cá Ông chết, xác dạt vào bờ, người con mới nhặt xương cốt để thờ cúng. Vào ngày giỗ chạp Ông, dân trong vùng lại đến dâng lễ vật, để tỏ lòng biết ơn vì những phen cứu nguy.
Có địa phương quy ước rằng, người đầu tiên phát hiện ra xác cá voi dạt vào bờ, tức là được Ông tín nhiệm mà vinh hưởng chức "trưởng nam". Người này có nghĩa vụ như người con trai cả trong gia đình khi cha mất, như chịu tang ông trong suốt 100 ngày. Xác Cá Ông được làm lễ an táng như người bình thường, nghi thức tang chế dựa theo Thọ Mai gia lễ (soạn từ thời Trần), có điều được rút gọn so với tang lễ của người. Đủ ba năm, khi xác thịt rã ra hết, thì thực hiện cải táng, đưa xương vào lăng đã xây sẵn để thờ.
Như vậy, Cá Ông đại diện cho sự chở che, bảo vệ của người cha dành cho con mình, nên được người ngư dân tôn thờ như người cha, và thực hiện nghi thức tang lễ như người.
Như thế, lễ cúng Hoàng Vần Thùng của người La Chí, Cơ Lao, lễ giỗ kỵ Bàn Vương của người Dao và cả tục thờ Cá Ông của cư dân ven biển phía Nam dẫu có nhiều khác biệt về thời gian hình thành, huyền tích gắn với tín ngưỡng đó,..., nhưng đều có chung điểm giao thoa giữa là xuất phát từ lòng thành kính với Cha- người có công sinh ra dân tộc mình, bảo vệ và gắn kết người dân của địa phương mình trên phương diện tâm linh.
(Còn tiếp)
Tags