Dân gian xưa đã đưa hình tượng Cha vào thờ phụng trong tín ngưỡng về người Mẹ, cụ thể là việc thờ bốn vị Vua Cha cai quản bốn miền trong vũ trụ và phối thờ phủ của Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng Tứ Phủ.
Như nhận xét của nhiều chuyên gia, điều này tạo sự cân bằng giữa âm và dương trong cùng hệ thống tín ngưỡng.
Hình tượng Vua Cha ngự trị trong Tứ Phủ
Vốn là tín ngưỡng phụng thờ Mẫu thần thuần Việt, Đạo Mẫu Tứ Phủ được làm cho phong phú thêm nhờ sự tiếp biến những yếu tố của Phật giáo và đậm nét hơn cả là Đạo giáo. Những vị thần của Đạo giáo được người xưa bản địa hóa để trở thành 4 người Cha trong tín ngưỡng thờ Mẹ. Các Ngài lần lượt là Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế của Thiên Phủ (miền trời), Vua Cha Bát Hải Động Đình dưới Thoải Phủ (miền nước), Vua Cha Địa Phủ Diêm La thuộc Địa Phủ (miền đất) và vị Vua Cha ngự ở Nhạc Phủ (miền rừng núi) có thần tích đồng nhất Ngài với Tản Viên Sơn Thánh.
Vua Cha trong Tứ Phủ không được dân gian xây dựng trở thành đấng tối cao sáng tạo ra các nguyên tố trong vũ trụ như trời, sông nước, rừng núi hay đất, mà hiện diện như những vị Thánh đứng đầu từng miền. Đồng thời, một nghiên cứu của ThS Trần Quang Dũng nhấn mạnh, hình ảnh Vua Cha thể hiện ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa đối với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, tuy nhiên hoàn toàn không phải một sự sao chép.
Bởi, dẫu biết, tín ngưỡng này thờ Mẹ là chính yếu, cơ tầng nữ thần quan trọng hơn, thế nhưng dân gian ta vẫn dành cho Cha một vị trí "ưu tiên" hơn Mẹ. Kết cấu điện thần với Cha ở trên, Mẹ ở dưới đã phần nào nói lên lòng thành kính của người xưa đối với hình tượng người Cha. Qua đó, nó còn phản ánh tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của Nho giáo vốn bao trùm lên bối cảnh xã hội đương thời, và ít nhiều có tác động đến tư duy của người xưa khi sáng tạo nên thần điện Tứ Phủ.
Kết cấu này được thể hiện rõ nét qua bức tranh thờ Công đồng Tứ Phủ trong dòng tranh Hàng Trống (ra đời vào khoảng thế kỉ XVI), trong đó ngự trên hàng Thánh Mẫu có Phật Bà Quan Âm ở vị trí tối cao (đại diện cho ảnh hưởng của đạo Phật) tiếp đến là bốn vị Cha cùng đồng thời xuất hiện tại hàng thứ hai.
Việc đưa hình tượng Vua Cha lên trên Thánh Mẫu còn cho thấy sự tương ứng với vị trí của trời và đất trong vũ trụ: Trời ở trên, đại diện cho nguyên tố dương và đất ở dưới, đại diện cho nguyên tố âm. Song, dân gian không tiếp thu những tín ngưỡng phụng thờ Phụ thần và Mẫu thần hình thành trước đó như hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, để xây dựng cho hình tượng Vua Cha và Thánh Mẫu có mối quan hệ phối ngẫu.
Thay vào đó, khi Đạo Mẫu Tứ Phủ phát triển đến độ hưng thịnh nhất định, để hoàn thiện hơn hệ thống thờ tự, dân gian đã đưa vào thần điện những vị nhân thần và thiên thần, những anh hùng vô danh và hữu danh từng có công lớn với dân, với nước, mà trong đó có những nam thần và nữ thần. Cùng với đó là sự bố trí thần điện với kết cấu cứ một hàng thờ nữ thần ở trên thì bên dưới là một hàng thờ nam thần. Hình tượng Cha và Mẹ, cơ tầng nam thần và nữ thần hài hòa, đan xen vào nhau trong cùng một hệ thống thờ tự của Tứ Phủ, cho thấy óc sáng tạo tài tình của dân gian khi đưa yếu tố dương vào bổ khuyết cho một tín ngưỡng mang đậm tính âm, để âm dương hòa hợp, vậy mới đạt đến sự toàn mỹ.
Phối thờ Hưng Đạo Đại Vương trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Bên cạnh đó, dân gian từ nhiều đời nay đã phối thờ một phủ đặc biệt - Phủ Trần triều thờ Trần Hưng Đạo cùng Vương Phụ, Vương Mẫu - tức thân sinh của Ngài - và Vương Phi, các Vương Tử, Vương Cô, tức phu nhân và các con của Ngài, cùng các vị tướng dưới quyền Ngài. Không giống với những phủ khác đều dưới quyền cai quản của Thánh Mẫu, Phủ Trần triều là phủ duy nhất với thần chủ là nam thần và cũng là nhân thần - Hưng Đạo Đại Vương.
Trên cơ sở quan niệm dân gian, cố GS Ngô Đức Thịnh còn cho rằng người ta còn phần nào đồng nhất hình tượng Vua Cha Bát Hải với Đức Thánh Trần. Bởi vì tích xưa truyền lại, Trần Hưng Đạo cùng các viên tướng từng tới ngôi đền thờ Long Vương Bát Hải để xin phù trợ diệt giặc Nguyên trên trận tuyến sông Bạch Đằng. Sau khi Hưng Đạo Vương mất, ngôi đền này cũng là nơi thờ Ngài. Chẳng những thế, vùng đất phát tích nhà Trần thuộc lưu vực sông Phổ Đà (tức sông Luộc) và nằm trên địa phận thôn Lưu Gia (thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Vậy nên, không khó để lí giải việc dân gian đã suy tôn Đức Thánh Trần lên thành một vị thủy thần.
Tương truyền, ngày 20 tháng Tám là ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và ngày 28 cùng tháng là tiệc Vua Cha Bát Hải. Bởi thế, từ ngày 20 đến 28 tháng Tám âm lịch hàng năm diễn ra hội chính ở đền Đồng Bằng (Thái Bình), nơi thờ tự Đức Thánh Trần và Vua Cha Bát Hải.
Kinh qua những năm tháng lịch sử hình thành và phát triển của Đạo Mẫu Tứ Phủ, câu tục ngữ "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" được lưu truyền đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Nó nhắc mỗi người chúng ta nhớ về tiệc giỗ hàng năm của Vua Cha Bát Hải và Hưng Đạo Vương vào tháng Tám và Liễu Hạnh Công chúa vào tháng Ba âm lịch. Đó là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng - nơi mà cả Mẹ và Cha, cả nữ thần và nam thần đều được dân gian thành tâm tôn kính.
Kết cấu đặc biệt
Dù Tam giáo có lưu lại trong Đạo Mẫu Tứ Phủ những ảnh hưởng nhất định, nhưng không thể chi phối thần điện của tín ngưỡng bản địa này. Và dù các Vua Cha ở vị trí cao hơn các Thánh Mẫu, nhưng chủ thể của cả tín ngưỡng vẫn là Thánh Mẫu. Hay nói cách khác, tín ngưỡng này là tín ngưỡng thuộc về Mẹ, tôn vinh những bà mẹ siêu nhiên của dân tộc.
(Còn tiếp)
Tags