Cuối loạt bài này, hãy cùng nghe những nhận định từ PGS-TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian ứng dụng, về vai trò của nữ giới và nam giới trong tiến trình lịch sử, để từ đó suy ngẫm về lòng hiếu kính của bao thế hệ người Việt.
1. Trong mỗi gia đình Việt thuở xưa, người phụ nữ đã có một vai trò quan trọng. Đôi bàn tay họ là tay hòm chìa khóa, luôn phụ giúp chồng mình nắm giữ tài chính trong gia đình. Trong xã hội kinh tế truyền thống, người phụ nữ đồng thời cũng là người làm ra tài chính nhiều hơn.
Vào những buổi nông nhàn, người xưa thường làm thêm nghề phụ để kiếm sống. Tổ sư của các nghề này, trừ một số nghề cần đến nhiều sức mạnh thuộc về nam giới hay một số nghề do các vị quan mang về truyền dạy cho dân, đa phần đều là phái nữ. Thần phả làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) còn chép rất kĩ về vị nữ Thành hoàng của làng, bà Ả Lã Đê Nương cùng chồng khi đi du ngoạn qua đất Vạn Bảo xưa, đã xin ở lại đây để chỉ dạy cho dân nghề canh cửi.
Đặc biệt trong tất cả các nghề phụ, nghề kiếm ra được nhiều tiền hơn tất thảy là chạy chợ, mà ngày nay có thể hiểu là đi buôn. Trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương đã khắc họa rất rõ nét người phụ nữ một thân một mình gồng gánh cả gia đình bằng nghề này: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng". Chính bởi từ việc nhỏ trong gia đình cho tới công việc mưu sinh ở bên ngoài đều do phụ nữ quán xuyến phần nhiều hơn, cho nên vị thế quan trọng của các bà, các mẹ càng được vun đắp.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, khi nước ta bước vào giai đoạn chuyển biến từ mẫu hệ sang phụ hệ, cũng là lúc thế lực phương Bắc tràn vào nước ta đã mang theo đạo Nho cùng tư tưởng về một xã hội phụ hệ, khiến cho quá trình này diễn ra nhanh hơn. Tư tưởng Nho giáo đề cao người đàn ông, cho đàn ông quyền được tiếp cận tri thức. Từ đấy, xã hội dần trở nên chú trọng học hành, nam giới giỏi nhất và cũng ưu tiên hàng đầu là "làu làu" kinh sử. Còn người phụ nữ tần tảo, vất vả dành dụm tiền của cho chồng ăn học.
Có sự hậu thuẫn từ vợ, nhiều nam nhân dành phần lớn cuộc đời sáng tối đều bên sách vở, luôn ấp ủ trong mình mong ước đỗ đạt để được đổi đời. Nhưng không phải ai đi thi cũng đều đỗ đạt. Nếu người đàn ông ấy may mắn thi đỗ làm quan, lập công lớn trong triều sẽ được vua ban thưởng hậu hĩnh. Hay những người đàn ông giỏi võ, có công đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, trở thành quan võ, cũng sẽ được nhận thưởng vua ban. Những vị nam nhân ấy giàu có lên nhờ việc làm quan và nhận được sự ân sủng của nhà vua. Những người kém may mắn hơn lại quay về quê dùi mài kinh sử, chuẩn bị cho khoa thi sau, hoặc làm thầy đồ, kiếm tiền bằng cách mở lớp dạy học.
Nhiệm vụ quan trọng của dân ta không kém việc làm ăn chính là đánh giặc. Thế lực ngoại xâm từ sớm đã luôn lăm le hòng đánh chiếm nước ta, buộc dân ta luôn trong tư thế phòng bị trước những cuộc xăm lăng. Trên tinh thần chống giặc như vậy, tục ngữ xưa có câu: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Hình tượng người phụ nữ được tôn thờ nhiều nhất là các vị nữ tướng. Những người lãnh đạo, tướng quân của các cuộc khởi nghĩa đầu tiên cũng là nữ giới, mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải thích tường tận lý do. Bên cạnh đó là những người phụ nữ có công phò trợ những vị anh hùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, như Nguyễn Thị Bành góp sức trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Bùi Thị Xuân giúp Quang Trung đánh quân Xiêm,... Những nữ anh hùng ấy khi mất đã hiển linh phù hộ cho đất nước, trở thành những vị Thánh của dân tộc.
Bên cạnh thờ phụng các vị nữ thần, tất nhiên không thể thiếu các vị nam thần. Việc thờ phụng nam thần xuất hiện sau khi Nho giáo được du nhập vào nước ta, tác động mạnh mẽ đến lối tư duy đương thời và nét văn hóa này được các nhà Nho đặt ra. Dần dà, ta cũng có thể thấy các vị nam thần được tôn thờ có xu hướng nhiều hơn về số lượng.
2. Suốt một thời gian dài, sức ảnh hưởng lớn của đạo Khổng đã đặt quyền lợi của người đàn ông lên hàng đầu, hình tượng nam giới, nhất là người cha dần có vị thế lấn át nữ giới trong xã hội.
Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm thức của người Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ sự chịu thương, chịu khó, sự hy sinh của người phụ nữ trong gia đình và cao cả hơn hết là người mẹ. Mẹ vẫn được kính trọng như cha, bởi công lao sinh thành và dưỡng dục của cả hai là không thể so sánh được.
Từ việc kính trọng những người mẹ, người phụ nữ trong gia đình, dân gian đã nâng lên thành những người phụ nữ của dân của nước, và huyền thoại hóa, tín ngưỡng hóa để trở thành những vị nữ thần, cao hơn là Thánh Mẫu, song song với việc thờ phụng những vị nam thần. Hay nói cách khác, việc tôn kính hình tượng người cha, người mẹ đã sản sinh và tích hợp những nét tín ngưỡng phụng thờ các vị nam thần, nữ thần vĩ đại, to lớn của quốc gia, dân tộc.
Cho đến nay, truyền thống đề cao chữ Hiếu, nhớ ơn các bậc anh linh, tiên tổ vẫn luôn được dân ta tiếp nối và truyền thừa.
"Khác với xã hội theo chế độ phụ hệ của cư dân du mục sống bằng nghề săn bắn ở phía Bắc sông Dương Tử (Trung Quốc), thì cư dân Bách Việt làm nông nghiệp ở phía Nam sông Dương Tử theo chế độ mẫu hệ" - PGS-TS Trần Hữu Sơn.
Tags