(Thethaovanhoa.vn) - Giữa hai thế hệ nhà thơ thời chống Pháp và chống Mỹ tồn tại sự thống nhất đến mức “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”. Nhưng thơ chống Mỹ và thơ hậu hiện đại hôm nay lại như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh đưa ra nhận định này trong hội thảo “Thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” sáng 22/12 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Hà Nội.
Bàn về những cuộc “bàn giao” (theo từ dùng của chính ông) giữa các thế hệ thơ, Trần Nhuận Minh cho rằng từ thời chống Pháp đến nay có hai cuộc bàn giao, một thành công, một thất bại.
Thành công là cuộc bàn giao giữa thế hệ thơ chống Pháp trước năm 1954 và thơ chống Mỹ sau 1954. Chế Lan Viên viết: “Những năm toàn đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau”, còn Tế Hanh viết: “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”.
Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, đó là trong thơ ca có “một sợi chỉ đỏ xuyên tâm, kết dính các nhà thơ trong một chủ đề lớn là chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.
Còn về cuộc bàn giao giữa thế hệ thơ chống Mỹ và thế hệ sau 1975, đúng hơn là sau 1986 (năm đổi mới văn nghệ), theo ông Minh, giữa hai thế hệ này tồn tại “một khoảng trống rất lớn”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng chú ý đến sự thay đổi này, nhưng cách nhìn nhận khác nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ông Ân cho rằng: “Từ những năm 1980, những thay đổi trong bức tranh chính trị toàn cầu và những tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, rốt cuộc cũng tác động vào nước ta. Kết quả là sự đồng nhất khi trước giữa các thế hệ nhà thơ biến mất, họ trở nên khác biệt nhau ở hàng loạt lĩnh vực”.
Mặc dù vậy, họ vẫn sáng tác bằng tiếng Việt, tác động đến công chúng Việt và giữ cho mạch thơ ca tiếng Việt được tiếp nối. Suy từ ý của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, dường như không cần phải có cuộc “bàn giao”, mà người Việt vẫn sẽ tiếp nối người Việt làm thơ và thể hiện tâm hồn của thời đại họ sống.
Còn những giọng thơ trẻ trung đất Bắc tiêu biểu cho thế hệ chống Mỹ 1960-1970 như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo… đã có những vị trí không thể thay thế. Thế hệ thơ đó, theo nhà thơ Bằng Việt viết trong bài phát biểu, là “chỉ được sản sinh một lần, sau này hiếm khi nào còn lặp lại”.
Bằng Việt phản đối những ý kiến phê bình gần đây cho rằng thơ chống Mỹ “chỉ là thơ tuyên truyền bề nổi, ít nội tâm” hay “thứ thơ ít học, quê mùa”. Theo ông, tinh thần tự giác của người nghệ sĩ với trách nhiệm công dân luôn là một nhu cầu tự thân.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags