Thời đại của... "tâm thư"

Thứ Năm, 01/10/2015 05:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân một hôm bàn về chuyện sách giáo khoa, hỏi bọn trẻ có biết Lưu Cầu huyết lệ tân thư là gì không? Thề là 100 em 99 em nói không biết.

Dù trong lịch sử và văn học, đấy là một tác phẩm rất quan trọng của cụ Phan Bội Châu, viết năm 1903, một bức thư viết bằng máu và nước mắt của xứ Lưu Cầu, như tên của nó. Xứ Lưu Cầu là một đảo quốc độc lập, có lệ triều cống Trung Hoa, thuộc về Nhật Bản từ năm 1879 (theo Wikipedia, Gúc (Google) là thấy ngay), và nhà cách mạng Phan Bội Châu nhân câu chuyện của xứ này, tương đồng với Việt Nam thời đó nhiều mặt, đã viết một áng văn thống thiết xúc động, kêu gọi lòng tự hào dân tộc và ý chí đấu tranh khôi phục nền độc lập của đất nước.


Nhà cách mạng Phan Bội Châu

Tân thư, kể cả huyết lệ, lạc hậu lắm, giờ thời thượng phải là tâm thư. Người người viết tâm thư, nhà nhà viết tâm thư, khi có chuyện. Cũng Gúc (Google) là thấy ngay, 1/10 giây cho mấy chục nghìn kết quả. Ca sĩ viết tâm thư cho người hâm mộ, cô giáo viết tâm thư cho học sinh, phụ huynh viết tâm thư cho bộ trưởng, người hâm mộ bóng đá viết tâm thư cho ông bầu, ông bố trẻ viết tâm thư cho con mới sinh…, đúng là thời của tâm thư.

Viết xong quăng tâm thư lên mạng xã hội, thêm mấy bình luận nức nở là bỗng đâu danh tiếng đến như cồn. Mà phải thừa nhận tâm thư là hiệu quả. Như trường hợp cô bé thi vào ngành công an vướng lý lịch vừa rồi. Sau những bức tâm thư ướt nước mắt, cô đã trở thành nữ công an tương lai. Chẳng có gì sai cả, đúng thế, tâm thư là để người ta giãi bày cái tình. Chẳng biết bày tỏ với ai, vào đâu, thì người ta viết tâm thư.

Nữ sinh thi vào ngành công an với bức tâm thư

Cuộc đời thì phải có cả lý cả tình, nên chỗ nào nặng phần lý quá, nhiều khi có cái tình nó bù lại. Trường hợp này, thôi thì vì tình, chúc mừng cô bé!

Khổ nỗi, sau đấy mới biết hoàn cảnh tương tự không hiếm. Chẳng hiểu sao các cô cậu có bố từng vướng mắc pháp luật lại mê ngành công an đến thế. Bộ Công an rất có thể phải lập cơ quan chuyên phụ trách tâm thư, vì nếu đã chấp thuận một trường hợp, sẽ phải chấp thuận thêm những trường hợp khác. Thật không phải chuyện đùa.

Tự dưng luật lệ đã đề ra lại phải lờ đi để nghiêng theo cái tình. Thà cứ lụy tình từ đầu cho nó dễ, bỏ đi các loại quy định, thì không sao. Nhưng lụy tình, thì còn gì là luật lệ nữa… Đặt ra quy định rồi không tuân theo quy định, thật khó nói!

Vậy nên, hoặc phải có thêm quy định cho tâm thư. Hoặc tâm thư thì tâm thư, cứ đúng luật mà làm. Các cháu học giỏi điểm cao, thiếu gì những cánh cửa trường đại học rộng mở, việc gì cứ phải học đúng cái ngành mình không đạt yêu cầu như vậy. Nếu cứ thế này, thêm một số trường hợp nữa, không khéo phụ trách tuyển sinh của ngành công an cũng phải viết tâm thư để từ chối. Và nếu tâm thư không được đáp ứng, chẳng biết rồi người ta sẽ viết gì nữa tiếp sau.

Có thể, biết đâu đấy, là huyết lệ tâm thư (không phải tân thư)...

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›