- Uống cà phê quá mức có thể gây ung thư: Chuyên gia tiết lộ một kiểu uống vô cùng kỳ hại dạ dày, nhưng dân văn phòng cực mê
- Ngồi "mọc rễ" ở quán cà phê dưới góc nhìn các vị khách: Có đáng bị mang ra đánh giá hay không?
- Khi khách 'cắm rễ' tại quán cà phê đủ một ngày công, những người chủ phải xử trí ra sao?
Cà phê robusta của Việt Nam nổi tiếng là loại cà phê chứa nhiều caffein nhưng hương vị lại không ngon bằng loại cà phê arabica được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người nông dân và người yêu thích cà phê của Việt Nam đang thay đổi điều này.
Robusta của Việt Nam có thể ngon hơn
Đắng và chát, chỉ phù hợp để làm cà phê pha sẵn. Cà phê robusta bị gán cho những đặc điểm trên. Nhưng một nhóm nhỏ nông dân Việt Nam đang cố gắng xoay chuyển vị thế của loại cà phê này khi biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, đe dọa tới ngành sản xuất cà phê.
Là một nhà thiết kế nội thất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Thị Bích Ngọc, 42 tuổi, phần lớn không ưa dùng cà phê robusta khi thấy nó không ngon bằng cà phê của nước ngoài.
Nhưng giờ đây, sau gần một thập kỷ tự điều hành trang trại cà phê của riêng mình, chị Ngọc đã tin rằng, hương vị của cà phê robusta ở trang trại có tên Mori - ở Tây Nguyên của mình, có thể sánh ngang với loại cà phê arabica được yêu thích nhất thế giới.
"Những hạt cà phê của tôi có mùi trái cây, mùi hoa, và chúng có vị nồng – nhưng rất dịu,” chị Ngọc chia sẻ. Trang trại của chị Ngọc nằm gần thành phố Pleiku - trung tâm của vùng cà phê robusta ở Việt Nam. "Nông dân Việt Nam cần biết rằng chúng ta có thể khiến cho những hạt cà phê này ngon hơn."
Lợi thế của robusta
Robusta có lượng cafein cao gần gấp đôi so với arabica và được tìm thấy trong hầu hết các loại cà phê hòa tan cũng như một số loại cà phê espresso pha trộn. Mario Fernandez thuộc Hiệp hội Cà phê Đặc sản Quốc tế cho biết, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng loại cà phê này có tiềm năng nhưng lại bị mắc kẹt trong "vòng luẩn quẩn của chất lượng chưa cao"
"Chất lượng của hạt robusta chưa cao, điều này ảnh hưởng tới danh tiếng của nó. Vậy nên cũng không có ai muốn trả giá cao hơn cho nó để nó có động lực cải thiện chất lượng. Và cứ thế," ông nói.
Tuy nhiên, robusta lại có lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh là arabica: có thể mang lại năng suất lớn hơn và đối phó tốt hơn với tình trạng nóng lên toàn cầu. Biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn đối với ngành cà phê trị giá hàng tỷ USD khi các nhà khoa học dự báo rằng các vấn đề về khí hậu sẽ khiến cho năng suất trồng cà phê thấp hơn và diện thích trồng bị thu hẹp.
Arabica, chiếm khoảng 60% sản lượng cà phê của thế giới, có nguồn gốc từ vùng cao nguyên của Ethiopia và Nam Sudan, và thích nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 19 độ C.
Điều này không có nghĩa là robusta không bị ảnh hưởng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng nó có thể chịu được nhiệt độ cao hơn arabica.
Nếu sản lượng arabica toàn cầu bắt đầu giảm, “mọi người sẽ phải tìm nguồn cung thay thế”, bà Phạm Thị Điệp Giang, phó tổng giám đốc Trung Nguyên, một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu của Việt Nam, cho biết.
Nguồn cung arabica sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil đã giúp Việt Nam kiếm được 4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 32% so với một năm trước đó, một báo cáo gần đây của chính phủ cho biết.
Thức uống khiến chúng ta phải "WOW"
Tại một hội chợ cà phê ở Thành phố Buôn Ma Thuột, nông dân Hoàng Mạnh Hùng cố gắng thuyết phục khách nhấp từng ngụm cà phê robusta "đậm vị trái cây và hết sức thanh lịch" của mình.
"Tôi thực sự mong nhiều người sẽ yêu thích robusta hơn, bởi nó thực sự là một thức uống khiến bạn phải "wow" khi thử," ông Hùng cho biết.
Người đàn ông 53 tuổi này đã chuyển đổi một trang trại trồng cà phê chất lượng chưa cao trong hàng thập kỷ.
"Bây giờ chúng tôi có thể sản xuất cà phê robusta với hương vị và mùi thơm hoàn toàn khác mà bất cứ ai cũng yêu thích," ông Hùng tự tin. Ông cũng cho biết, chìa khóa của sự thay đổi là việc hái cà phê bằng tay và chỉ hái khi chúng đã chín hẳn. "Và chúng hoàn toàn organic," ông nói thêm.
Robusta được người Pháp đưa vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đến năm 1991 Việt Nam đã xuất khẩu hạt cà phê đầu tiên – 104.000 tấn.
Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 1,8 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil.
Tuy nhiên, ở nước ngoài, “Việt Nam được coi là nơi có cà phê chất lượng thấp”, ông Fernandez nói. Ông cũng cho biết thêm, các nhà sản xuất nhắm tới chất lượng cao sẽ cần thời gian để thay đổi nhận thức này.
Tuy nhiên, đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực: Công ty dự báo xu hướng WGSN cho biết, thái độ đối với cà phê robusta đã bắt đầu thay đổi. Sản phẩm của Nguyen Coffee Supply – được cho là công ty cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ – hiện đang được bán bởi chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods.
Trong khi đó, tại các trang trại cà phê ở Tây Nguyên Việt Nam, ông Hùng và chị Ngọc bắt đầu thấy rằng cố gắng của họ được đền đáp. Sản phẩm của họ đang được công nhận ở trong nước và cả nước ngoài, được bán bởi các trang bán hàng trực tuyến ở Đức, Mỹ và các nước châu Á khác.
"Đây là thời điểm hoàn hảo để những hạt cà phê hảo hạng của Việt Nam tìm được chỗ đứng trên thế giới," chị Ngọc nói.