Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên những ngày này tiếp nhận số ca đột quỵ gia tăng đột biến. Theo thống kê, trong tháng 9, Khoa ghi nhận 128 trường hợp, đến tháng 10 là 153 ca. Trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân, tăng gấp 2 lần so với trước. Người nhập viện điều trị do đột quỵ ở mọi độ tuổi, tuy nhiên người lớn tuổi vẫn chiếm số đông.
Bệnh nhân Nguyễn Đến (sinh năm 1939, tại Thôn 8, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã có tiền sử đột quỵ trước đây khoảng 4 năm. Theo cô Nguyễn Thị Tuyết (con gái bệnh nhân), cách đây 10 ngày, ông xuất hiện triệu chứng ói, mệt, tay chân không cử động, được dẫn đến hôn mê. Ông được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán ông bị đột quỵ. Sau khi được chăm sóc, đến nay ông đã tỉnh táo, tuy nhiên sức khỏe vẫn chưa ổn định.
“Ban đầu khi nhập viện, bác sỹ nói sức khỏe của ông không khả quan do lớn tuổi, nhiều bệnh đi kèm như viêm phổi, suy tim, tiểu đường. Tuy nhiên, đến nay sức khỏe ông đã đỡ, gia đình rất mừng”, cô Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
Tương tự, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ánh (sinh năm 1960, tại Thôn 9, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bị đột quỵ ngày thứ 5, có tiền sử cao huyết áp đã nhiều năm. Anh Nguyễn Cao Cường (con trai bệnh nhân) cho biết, sau khi hai mẹ con nói chuyện với nhau, mẹ anh lên giường nằm thì bất ngờ bất tỉnh. Ngay lập tức, gia đình đưa bà đến cơ sở y tế huyện để sơ cứu, sau đó bà được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán, bà Ánh bị đột quỵ trên nền cao huyết áp. Bà Ánh bị hôn mê sâu hơn một ngày. Sau khi được các bác sỹ tận tình chăm sóc, đến nay sức khỏe của bà tiến triển tốt. Bà đã ăn cơm, tập đi, nghe và nói chuyện được.
Theo bác sỹ Chuyên khoa II Huỳnh Thị Đoan Dung, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời gian gần đây do sự thay đổi thời tiết khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Nhiều bệnh nhân xuất hiện các tình trạng như: Liệt nửa người, nói khó, méo miệng, có trường hợp xuất huyết não, hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy tim mạch... rất nguy hiểm. Đa phần là những bệnh nhân huyết áp không ổn định dẫn đến tình trạng đột quỵ.
Đột quỵ có hai loại là nhồi máu não và xuất huyết não. Nếu đột quỵ nhồi máu não được phát hiện sớm trong vòng 4 giờ đầu, bác sỹ có thể dùng phương pháp tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Còn những bệnh nhân xuất huyết não phải điều trị nội khoa. Trường hợp đặc biệt sẽ được điều trị ngoại khoa.
“Hiện số ca bệnh tăng khiến nhân viên y tế rất áp lực trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Khoa sắp xếp tăng nhân lực nên điều trị đáp ứng tốt cho bệnh nhân”, bác sỹ Dung thông tin.
Theo bác sỹ Dung, đối tượng điều trị đột quỵ thường tập trung ở bệnh nhân lớn tuổi, song hiện nay độ tuổi bị đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân trẻ cũng có thể bị đột quỵ, có trường hợp chỉ mới trên 30 tuổi.
Các bác sỹ khuyến cáo, bệnh đột quỵ để lại hậu quả rất nặng nề. Các biến chứng liên quan đến tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, sốt, đau, khó nuốt, co cứng chi, trầm cảm... Các biến chứng của đột quỵ khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, có thể dẫn đến khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, để lại gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội. Do đó, người dân cần điều trị dự phòng đột quỵ, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có bệnh nền như tăng huyết áp phải điều trị tích cực, tránh thay đổi đột ngột không khí, thời tiết, nóng, lạnh để dự phòng cơn cao huyết áp đột phát.
Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nỗ lực triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, trong đó có tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Bệnh nhân bị đột quỵ nếu phát hiện và đến cơ sở y tế trước 4 - 5 giờ (khoảng thời gian vàng là trước 3 giờ), kỹ thuật tiêu sợi huyết sẽ phát huy hiệu quả trong điều trị bệnh.
Tags