Mùa hè năm nay, châu Âu đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và các đám cháy rừng tàn phá khắp Ðịa Trung Hải.
Sau khi các đợt nắng nóng quét qua, hàng loạt các nước ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hạn hán gây thiếu nước nghiêm trọng. Tình hình hạn hán đặc biệt nghiêm trọng ở nước Pháp, nơi giới chức trách đã thành lập nhóm chuyên trách ứng phó khủng hoảng thiếu nước. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, ở hầu hết các vùng đất, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn.
Đối mặt những đợt “sóng” nhiệt
Kể từ ngày 7/8, đợt nắng nóng gay gắt nhất trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến hầu hết các nước châu Âu, với nhiệt độ tại nhiều nước lên mức cao kỷ lục, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.
Thời tiết khô nóng bất thường đã gây ra cháy rừng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Hy Lạp và nhiều nơi khác. Cháy rừng đã khiến hàng chục nghìn người trên khắp châu Âu buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Riêng tại Tây Ban Nha, hơn 4.000 ha đất đã bị thiêu rụi.
Nắng nóng và thiếu nước cũng khiến nhiều người ở châu Âu tử vong do sốc nhiệt. Nhiều nước trong châu lục ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C. Thậm chí nhiệt độ tại Bồ Đào Nha lên tới 47 độ C trong đợt nắng nóng này.
Ở Italy, tính đến ngày 7/8, có tới 19 thành phố được đặt trong tình trạng báo động đỏ. Điều này có nghĩa nhiệt độ và điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, không chỉ có châu Âu chịu cảnh nắng cháy. Thành phố Boston (Mỹ) ngày 4/8 cũng đã ghi nhận mức nhiệt 37,7 độ C, cao nhất trong vòng 89 năm. Còn tại Trung Quốc, hơn 900 triệu dân, đặc biệt người dân sống ở lưu vực sông Dương Tử, phải chịu đựng nắng nóng bất thường. Nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Châu đã phải chịu cái nóng kéo dài với nền nhiệt có khi lên tới 44 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1873. Cuối tuần qua, Chiết Giang và Phúc Kiến ghi nhận mức nhiệt trên 41 độ C, cao nhất từ trước tới nay tại 2 tỉnh miền Đông này. Trong khi đó, 71 trạm thời tiết quốc gia trên cả nước Trung Quốc đều ghi nhận các mức nhiệt phá mọi kỷ lục. Còn tại Nhật Bản, người dân Tokyo đã phải chịu đựng cái nóng 35 độ C, cao nhất kể từ năm 1875… Nhưng, châu Âu hiện vẫn là khu vực chịu nắng nóng “khủng khiếp nhất”.
Với hai đợt nắng nóng gay gắt vào mùa hè năm nay dẫn đến nhiệt độ cao kỷ lục trên khắp châu Âu đã làm bùng phát các vụ cháy rừng có sức tàn phá hủy diệt trên khắp Tây Nam châu Âu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6/2022 cao hơn khoảng 0,3 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1991-2020, khiến đây trở thành tháng 6 nóng bức đứng thứ 3 trong kỷ lục được ghi nhận.
Báo động về hạn hán gây thiếu nước trầm trọng
Có thể thấy rõ, châu Âu đang phải trải qua một thời kỳ không mấy dễ dàng khi những thách thức liên quan đến thời tiết liên tục ập đến. Không chỉ đối diện với những đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài mà nay châu lục này còn đang đối mặt với báo động về hạn hán ảnh hưởng tới 50% lãnh thổ. Mực nước sông, hồ, kênh thủy lợi không ngừng hạ thấp sẽ gây thiệt hại lớn tới lĩnh vực nông nghiệp, khiến bất ổn an ninh lương thực càng trở nên khó lường.
Bản đồ của Đài quan sát về tình trạng hạn hán châu Âu cho thấy, từ bán đảo Iberia ở Tây Nam Âu cho đến vùng bình nguyên ở Hungary, đồng bằng Po thuộc miền Bắc Italy hoặc vùng Languedoc, miền Nam nước Pháp đều đang trong tình trạng đáng báo động.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC), có đến 46% lãnh thổ EU đang ở mức cảnh báo, tức là đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức nghiêm trọng. Đợt hạn hán này, bắt đầu từ đầu năm nay, có liên quan đến việc lượng mưa giảm mạnh từ tháng 9/2021 đến tháng 4/2022 và các đợt nắng nóng mạnh kéo dài. Các chuyên gia khí tượng nhận định, tình hình chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí đang ngày càng tồi tệ hơn.Do thiếu nước, nông nghiệp và thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nước bị ảnh hưởng lớn là Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy. Hiện tượng khô hạn có xu hướng tăng lên, phá hủy mùa màng, cây ăn quả như ô-liu và nho. Ô-liu hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Tây Ban Nha với 50% dầu ô-liu trên thế giới là do nước này cung cấp.
Trong khi đó, Chính phủ Pháp đã phải thành lập lực lượng đặc trách ứng phó khủng hoảng nhằm đánh giá các tác động của trận hạn hán lịch sử do đợt nắng nóng cực đoan thứ 3 trong mùa hè này. Hiện có tới 93/96 tỉnh ở nước này đã phải hạn chế sử dụng nước do tình trạng thiếu nguồn cung nước ở nhiều khu vực, trong đó khoảng 2/3 số tỉnh được được xếp vào diện “khủng hoảng”. Chỉ có một số tỉnh ở nước này, trong đó có vùng thủ đô Paris, là không bị áp đặt hạn chế sử dụng nước. Những biện pháp hạn chế sử dụng nước nghiêm ngặt nhất, trong đó có cấm sử dụng nước tưới tiêu cho nông nghiệp, đang có hiệu lực ở khu vực phía Tây Bắc lưu vực sông Loire cũng như ở khu vực phía Đông Nam sông Rhone.
Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp, nước này đã trải qua mùa xuân thứ 3 khô cạn nhất sau các mùa xuân năm 1976 và 2011, với lượng mưa giảm 45% so với mức trung bình. Công đoàn Nông nghiệp Pháp đã cảnh báo rằng, sản lượng lương thực bị mất ở quốc gia này có thể lên tới 40% nếu tình hình hạn hán tiếp tục diễn ra. Thực tế lượng mưa đo được tại nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 9,7 mm, giảm 84% so với mức trung bình của tháng 7 trong giai đoạn từ năm 1991-2022 và là tháng khô hạn thứ hai kể từ tháng 3/1961. Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Bechu nêu rõ lượng mưa trong tháng 7 vừa qua chỉ chiếm 12% lượng mưa cần thiết.
Trong khi đó, Cơ quan dự báo thời tiết của Anh thông báo nhiều khu vực ở phía Đông và Nam vùng England đã ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 thấp kỷ lục. Lượng mưa trung bình của toàn bộ vùng England chỉ đạt 23,1 mm-mức thấp nhất trong tháng 7 kể từ năm 1935 và là tháng 7 có tổng lượng mưa thấp kỷ lục thứ bảy.
Chính phủ Hà Lan ngày 3/8 cũng đã tuyên bố tình trạng thiếu nước trên toàn quốc do mùa hè khắc nghiệt làm khô hạn phần lớn châu Âu. Với 2/3 dân số sống dưới mực nước biển, hạn hán có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề cấp bách ở Hà Lan, dẫn đến các dòng sông bị bồi lấp và gây cản trở giao thông đường thủy. Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan Mark Harbers cho biết tình trạng thiếu nước đang có tác động tiêu cực, đặc biệt là đến ngành vận tải biển và nông nghiệp. Hiện người dân Hà Lan đã được kêu gọi tiết kiệm nước hết sức có thể. Chính phủ Hà Lan cho biết nguồn nước uống chưa bị đe dọa, các biện pháp bổ sung chưa thực sự cần thiết, nhưng có thể sẽ được triển khai "trong những tuần tới" nếu tình hình không được cải thiện.
Ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế
Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện, ở mức nhiệt độ 25 độ C sẽ giúp cho con người làm việc với nhịp độ bình thường, nhưng nếu mức nhiệt lên đến hơn 40 độ C như tại châu Âu thì vấn đề rất khác. Nắng nóng khủng khiếp không chỉ đe dọa sức khỏe người dân và môi trường, gây thiệt hại lớn về con người, mà còn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), trong khi thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn gây ra được công bố rõ ràng và các công ty bảo hiểm có thể nhanh chóng định lượng chính xác, thì việc đánh giá thiệt hại của các đợt nắng nóng lại chỉ có thể được thống kê đầy đủ thông qua những con số mất mát về người.
Thiệt hại về kinh tế do nắng nóng gây ra là rất lớn, nhưng lại khó đong đếm và thường thông qua các chỉ số gián tiếp như sản lượng, năng suất, hoặc là những chi phí vô hình như ảnh hưởng về sức khỏe và thể chất.
Tại Pháp, theo một nghiên cứu do Cơ quan Y tế công cộng quốc gia (SPF), nắng nóng tác động xấu tới thể trạng sức khỏe con người cùng đó còn dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động. Nhiệt độ tăng cao khiến người ta buộc phải hạn chế một số hoạt động đi lại, dẫn đến giảm giờ lao động cũng như năng suất lao động.
Theo ILO, với châu Âu, nếu nhiệt độ lên đến khoảng 30 độ C thì năng suất trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp sẽ giảm từ 30 đến 40%. Ở 33-34 độ C, một công nhân trung bình mất 50% khả năng lao động. Khi nhiệt độ của hàn thử biểu càng tăng, thì năng suất lao động càng giảm, kéo theo chỉ số kinh tế sa sút. ILO ước tính đến năm 2030, nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian. Cái giá phải trả cho hiện tượng này sẽ là khả năng “bốc hơi” 2.400 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Đây thực sự là một mức tăng đáng kể so với con số 208 tỷ USD thiệt hại do nắng nóng được đánh giá vào năm 1995.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature cho biết, các đợt nắng nóng ở châu Âu đã khiến năng suất lao động giảm, tước đi của nền kinh tế châu Âu ước 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 72 tỷ euro, thậm chí có thể làm giảm khoảng 2% GDP quốc gia.
Vốn nhạy cảm với khí hậu, ngành nông nghiệp cũng bị đe dọa bởi những đợt nắng nóng hiện nay. Ngay cả khi nhiệt độ cao trong thời gian ngắn không ảnh hưởng đến cây trồng, thì tình trạng nắng nóng cũng vẫn làm cho đất khô cằn, hạn hán, tác động đến sản lượng nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực.
Tình trạng thiếu nước đang tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò cần thiết cho hoạt động sản xuất thủy điện và hệ thống làm mát của các nhà máy điện. Ở Tây Ban Nha, lượng nước trong các hồ chứa đã giảm 31% so với bình thường, khiến sản lượng điện giảm 3.060 GWh trong 6 tháng đầu năm nay. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện.
- Nắng nóng ở châu Âu: Nhiều nước ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, cháy rừng gia tăng
- Nắng nóng ở châu Âu: Nhiều nước nâng mức cảnh báo thời tiết cực đoan
- Nắng nóng ở châu Âu: Nguy cơ biến mất những dãy núi phủ tuyết tại Thụy Sĩ
Trong khi đó, tại Hy Lạp, Pháp và Italy, thời tiết khắc nghiệp được cho là sẽ làm giảm sản lượng dầu ôliu, dẫn đến giá tăng vọt. Tại Pháp, sản lượng rượu trong năm 2022 có thể bị ảnh hưởng cả về số lượng và chất lượng, trong khi sản lượng ngô và thức ăn chăn nuôi tại Italy cũng giảm. Tương tự, nông dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... cũng đang phải trải qua những ngày hè dữ dội, khi mà trong nhiều ngày không thể ra đồng. Gia súc phải nhốt trong những khu chuồng trại phủ kín và phải bố trí hệ thống quạt gió chạy tới 14 giờ mỗi ngày.
Cũng ít ai ngờ rằng, nắng nóng khiến lượng tiêu thụ thực phẩm ở châu Âu giảm sút. Người dân ít tới các cửa hàng để mua thực phẩm, thay vào đó là uống nhiều nước hơn. Tính chung các cửa hàng ở Milan (Italy), trong 3 ngày đầu tháng 8, lượng thực phẩm bán ra đã giảm 16%.
Không chỉ vậy, nắng nóng còn tác động tới ngành du lịch vốn đang vật lộn để phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19. Mặc dù mùa Hè này được cho là mùa du lịch lớn nhất châu Âu kể từ năm 2019, song thời tiết nắng nóng đã trở thành mối quan ngại chính của du khách. Theo ông Stefano Brindisi, Giám đốc điều hành công ty lữ hành Expedia, có mạng lưới ở hầu hết các quốc gia châu Âu, nắng nóng đã khiến nhiều du khách trì hoãn kế hoạch hoặc thay đổi điểm đến. Thời tiết khắc nghiệt đang cản trở đà phục hồi của ngành du lịch.
Trọng Đức (tổng hợp)
Tags