Show thời trang "Vân Long Lưu Vũ" phỏng dựng lại tiến trình biến đổi của cổ phục trong giai đoạn 1900 – 1950 đã thu hút nhiều khán giả trẻ khi diễn ra vào sáng 18/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Phân xưởng Nóng 1B, Hà Nội.
Đây cũng là chương trình nghệ thuật liên ngành đưa đến những điều đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức. Đặc biệt, các thiết kế trong bộ sưu tập thời trang cao cấp được trình diễn có tính ứng dụng gắn liền với hình ảnh Rồng trong lịch sử Việt Nam.
Sự tái hiện lịch sử thông qua 15 bộ trang phục được biểu diễn tại show diễn đã thể hiện tiến trình phát triển của các thời kỳ lịch sử với những biến đổi trong suốt 50 năm (1900 – 1950) của trang phục Việt Nam.
Từ trang phục là áo tứ thân, áo yếm, áo the (miền Bắc) đến áo ngũ thân lập lĩnh tay chẽn buộc khăn lươn (miền Trung) hay áo ngũ thân lập lĩnh tay thụng (miền Nam), áo dài cổ bèo tay bồng cổ cao thắt eo…
Bên cạnh đó, các thiết kế với hoa văn họa tiết rồng đặc trưng qua các thời kỳ từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… kết hợp với thẩm mỹ và kỹ thuật hiện đại của thời trang cao cấp là một điểm nhấn thu hút người xem tại show diễn.
Nằm trong số hơn 60 sự kiện được tổ chức tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, buổi trình diễn thời trang Vân Long Lưu Vũ còn có các màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc lấy cảm hứng từ các vũ điệu truyền thống với các trang phục của vũ công mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, còn có các chương trình dành riêng cho giới yêu nghệ thuật đáng chú ý khác sắp diiễn ra như: trình diễn nghệ thuật "Đường trường" (19/11), trình diễn thời trang "Hành trình thời trang Hà Nội: Sáng tạo từ di sản" (19/11), trình diễn âm nhạc acoustic "Giai điệu Tự hào" (24/11), trình diễn sân khấu Graffiti "King Royal Pride 2023" (24/11), trình diễn âm thanh "Âm cảnh Ga Hà Nội" (24/11) và trình diễn nghệ thuật "Đối thoại Đôi bờ" (25/11).
Với chủ đề "Dòng chảy, lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (tổ chức từ 17-26/11 tại 17 quận, huyện của thành phố) được kỳ vọng sẽ đánh thức nhiều di sản kiến trúc của Thủ đô dọc theo hai bờ sông Hồng, bằng cách tổ chức triển lãm, trình diễn nghệ thuật-thời trang, tọa đàm, hội thảo về phát triển văn hóa.
Diễn ra trên 60 sự kiện, các chương trình được tổ chức tại các địa điểm gồm: bốt Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên... Ngoài ra, một số sự kiện khác diễn ra tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Hoài Đức...