(Thethaovanhoa.vn) - Các VĐV Jamaica tiếp tục cho thấy họ không có đối thủ trên đường đua, khi Elaine Thompson-Herah đi vào lịch sử với chiếc huy chương vàng ở cự ly 200m.
* Xem bảng xếp hạng huy chương Olympic 2020 mới nhất TẠI ĐÂY:
Ngày thi đấu thứ 11 chứng kiến thành tích không tiền khoáng hậu của Elaine Thompson-Herah. VĐV 29 tuổi người Jamaica đoạt huy chương vàng ở cự ly 200m để lập cú đúp lịch sử ở cự ly ngắn dành cho nữ.
Chiến thắng lịch sử ở cự ly 200m
Với thành tích 21 giây 53, Thompson-Herah đã trở thành nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội lập 2 cú đúp huy chương vàng ở nội dung 100m và 200m nữ ở 2 Olympic liên tiếp. Ở Rio 2016, cô về nhất cự ly 100m với thành tích 10 giây 71 và 200m với thành tích 21 giây 78. 5 năm sau, khi đã thêm 5 tuổi, thành tích của cô còn tốt hơn nhiều, lần lượt là 10 giây 61 và 21 giây 53. Không ngạc nhiên khi báo chí thế giới đã tung hô, ca ngợi cô sau kì tích này. Ở cự ly 200m này, VĐV người Mỹ Gabrielle Thomas chỉ giành huy chương đồng.
Trong bộ môn điền kinh, ngày 3/8 chứng kiến nội dung 400m rào nam ghi nhận một kỷ lục mới khi VĐV người Na Uy Karsten Warholm chỉ mất 45 giây 94 để giành tấm huy chương vàng. Con số này đã phá vỡ kỷ lục chính anh tạo ra hồi tháng trước, con số 46 giây 70 tại một giải điền kinh diễn ra ở quê nhà Oslo. Bản thân cột mốc 46 giây 70 khi ấy đã xô đổ kỷ lục kéo dài 29 năm qua của VĐV Kevin Young ở nội dung 400m rào này. Đó chắc chắn là một chiến tích đầy tự hào với Warholm nói riêng và đoàn điền kinh Na Uy nói chung. Rai Benjamin, đối thủ cạnh tranh gắt gao với Warholm, cũng vượt cột mốc kỷ lục cũ khi cán đích với thành tích 46 giây 17, không hề tồi chút nào, nhưng cũng chỉ đủ để mang về thêm một tấm huy chương bạc cho điền kinh Mỹ.
Chút an ủi cho điền kinh Mỹ khi Athing Mu kịp mang về tấm huy chương vàng ở nội dung 800m. Thành tích 1 phút 55 giây 21 không đủ để tạo ra kỷ lục Olympic hay thế giới mới, nhưng vẫn đủ để tạo ra kỷ lục quốc nội mới. Mu trở thành nữ VĐV Mỹ thứ hai giành huy chương vàng 800m tại các kỳ Olympic, sau trường hợp của Madeline Manning-Mims ở Olympic 1968 tại Mexico. Những nội dung khác như chạy 200m hay nhảy xa nữ chỉ mang về thêm cú đúp huy chương đồng cho Mỹ. Thành tích 6m97 của nữ VĐV người Mỹ Brittney Reese ở môn nhảy xa chỉ đủ cho một tấm huy chương đồng khác. Huy chương vàng ở nội dung này thuộc về nữ VĐV người Đức Malaika Mihambo, người duy nhất chạm mốc 7 mét ở lượt thi chung kết. Ngoài tấm huy chương vàng này, đoàn thể thao Đức cũng giành thêm một huy chương vàng đáng chú ý khác ở nội dung xe đạp lòng chảo khi đánh bại Anh với thành tích 4 phút 04 giây 249. Bốn nữ cua-rơ Franziska Brausse, Lisa Brennauer, Lisa Klein cùng Mieke Kroeger đã tạo ra kỷ lục thế giới thứ ba liên tiếp tại Olympic Tokyo, một con số hiếm thấy ở các môn thi đấu chứ chưa nói đến nội dung xe đạp lòng chảo.
Trung Quốc ẵm cú đúp vàng, Biles chỉ thêm huy chương đồng
Cuộc đua cho vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương đang tăng nhiệt. Đoàn Trung Quốc tiếp tục củng cố ngôi đầu trước sức ép từ Mỹ nhờ những huy chương vàng quan trọng ở thể dục dụng cụ. Một trong những nội dung thu hút sự chú ý ở thể dục dụng cụ chính là cầu thăng bằng, nơi tất cả chứng kiến sự trở lại của nữ VĐV tài năng người Mỹ Simon Biles. Cô đã rút lui ở bốn nội dung thi đấu do tâm lý bất ổn trước khi đồng ý quay lại thi đấu ở nội dung duy nhất của mình tại Olympic 2020.
Có điều, thay vì mang về 6 tấm huy chương vàng như kỳ vọng trước thềm Olympic 2020 để trở thành nữ VĐV thành công nhất ở các kỳ Olympic, hành trang Biles khép lại ở kỳ Olympic trên đất Nhật Bản chỉ là 2 tấm huy chương, một bạc ở nội dung đồng đội cùng tấm huy chương đồng vừa đạt được ở nội dung cầu thăng bằng hôm qua. Tất nhiên, thành tích này rất đáng khích lệ với một VĐV vừa trải qua vấn đề tâm lý như cô và cũng giúp Biles tạo ra một cột mốc đáng nhớ. Đó là tấm huy chương thứ 7 của nữ VĐV này ở các kỳ Olympic, qua đó sánh ngang với thành tích của Shannon Miller. Nỗ lực của Biles là không đủ, khi các nữ VĐV Trung Quốc quá mạnh ở nội dung này. Guan Chenchen giành tấm huy chương vàng với tổng điểm 14,633, trong khi huy chương bạc lại gọi tên một nữ VĐV Trung Quốc khác: Tang Xijing.
Đó vẫn chưa phải tấm huy chương vàng duy nhất đoàn Trung Quốc thâu tóm ở thể dục dụng cụ trong ngày hôm qua. Trước đó vài giờ đồng hồ, Zou Jingyuan đã giành huy chương vàng ở nội dung xà kép nam. Đó là tấm huy chương thứ hai của nam VĐV này sau tấm huy chương đồng ở nội dung đồng đội trước đó. Jingyuan vượt qua các đối thủ khi giành số điểm lên tới 16,233. Tấm huy chương vàng này thể hiện nỗ lực tuyệt vời của nam VĐV 23 tuổi, người bị ảnh hưởng phong độ nặng nề từ chấn thương vai khiến anh chỉ xếp thứ 16 ở giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới cách đây 2 năm tại Stuttgart, Đức.
Đức Hùng
Tags