(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/10, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay, dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Ban Quản lý dự án Thăng Long là đại diện chủ đầu tư) đã hoàn thành thi công, đảm bảo các điều kiện để thông xe vào ngày 10/10/2020, nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ các cấp.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng.
Dự án dài có tổng chiều dài 5,367 km; trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4 m.
Dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa..., đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vối đối ứng trong nước).
- Giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Đồng bộ các giải pháp
- Giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Xóa điểm cũ, điểm mới lại phát sinh
- Hà Nội lên phương án xử lý 10 điểm đen ùn tắc giao thông
Dự án được chia làm 2 gói thầu xây lắp, gói 1 đoạn từ Mai Dịch - Cổ Nhuế do liên danh Sumitomo - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 thi công, gói 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long do liên danh Tokyu - Taisei Corporation thi công.
Cũng theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, sau khi phần cầu chính được thông xe, từ tháng 10/2020, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công 6 nhánh lên xuống và dự kiến kết thúc toàn bộ vào cuối tháng 12/2020 để khai thác đồng bộ với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư) dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long án có vai trò rất quan trọng với ngành giao thông vận tải, đặc biệt là với giao thông Thủ đô. Sau khi đưa vào khai thác, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường vành đai hiện đại, giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn,... Đồng thời, tuyến đường còn kết nối trung tâm thành phố Hà Nội đến sân bay quốc tế Nội Bài và khu vực lân cận.
Quang Toàn
Tags