(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đã mất một ngày đầu tiên ở Brazil để học nói làm sao cho người dân ở đây biết là tôi đến từ đâu. Kết luận của tôi, phải phát âm “Việt tờ-na” họ mới hiểu.
Nhưng đa phần người Brazil cũng chỉ biết Việt Nam đồng nghĩa với chiến tranh. Ở Brazil, nói được tiếng Anh là đồng nghĩa bạn có một trình độ học vấn nhất định.
“Việt Nam thắng Mỹ, mà tôi ghét Mỹ”
Như nàng Carolina xinh đẹp mà tôi gặp ở một quán bar, là một bác sĩ phẫu thuật. Như Paulo, lái xe taxi như nghề tay trái bên cạnh việc anh là một nhà giáo. Như hai thiếu nữ xinh đẹp, Barbara và Patricia là sinh viên đại học Sao Paulo, là Guilhermes Antunes, người đang làm thạc sĩ quản lý hành chính và nổi tiếng nhờ việc thành lập một nhóm nhạc Samba từ các sinh viên.
Thế nhưng, cũng chỉ có Guilhermes là biết Việt Nam không chỉ có chiến tranh. Nhưng là nhờ anh may mắn được tham dự chuyến đi do trường tổ chức hai năm về trước. Hai tuần ở Việt Nam, Gulhermes được đi TP HCM, Hà Nội và đến Hạ Long.
Đứng bên cạnh sân Arena Corinthians, cô sinh viên Barbara chụm hai đầu ngón tay lại và chỉ về phía tôi: “bùm bùm”, “tôi chỉ biết về chiến tranh”.
Carolina cũng thế, chẳng nhiều hơn được bao nhiêu: “Thắng Mỹ. Việt Nam thắng Mỹ. Mà tôi thì ghét Mỹ. Nên tôi thích anh, thích Việt Nam”.
Paulo thì say mê phim ảnh. Mỗi lần qua đại lộ Augusta lại mua một đống đĩa lậu. Anh xem phim hàng ngày. Nhưng phim ảnh thế giới làm về Việt Nam đa phần cũng chỉ có đề tài chiến tranh. Paulo hỏi tôi giờ có mấy Việt Nam, tôi trả lời chỉ có một. Việt Nam thống nhất gần bốn mươi năm rồi”.
Có chút gì đó khiến chúng tôi bối rối. Kể cho họ nghe về Việt Nam thì không thể. Mà có thì họ cũng sẽ quên. Nếu tôi có bảo rằng, cứ đến tắm biển Việt Nam một lần xem, anh sẽ thấy Copacabana ở Rio de Janeiro không phải là bãi biển trong mơ nữa, ít nhất là trên khía cạnh của màu cát, của những làn nước trong, thì họ chắc cũng không tin rằng điều đó là thật.
Nếu tôi không tự giới thiệu mình từ đâu đến, cái tên đầu tiên mà 99% người Brazil đoán đều là Nhật, rồi sau đó là Hàn Quốc, xong sẽ tới Trung Quốc. “Japonês? Không. Corea? Không. Chinês? Không. Pais - Thế thì nước nào”? Phải trả lời họ mới biết.
Đừng nghĩ phải biết về Việt Nam mới là giỏi
Chúng ta có thể thất vọng với người Brazil. Cũng giống như chúng ta ngồi trước màn hình TV dè bỉu một ai đó chơi “Ai là triệu phú” không thể trả lời một câu hỏi (mà chúng ta cho là) đơn giản về kiến thức địa lý.
Thực tế là Brazil có lẽ là một trong những đất nước mà nền kinh tế được bảo hộ chặt chẽ nhất thế giới. Kết quả của nó là giá đồ điện tử ở đây đắt gấp 2-3 lần so với các nước khác. Một chiếc Iphone 5 được bày bán có giá khoảng 28 triệu đồng. Hay một chiếc Macbook Pro 15 inches đời mới có giá tròn trăm triệu. Các mặt hàng tiêu dùng khác chủ yếu là sản phẩm nội địa.
Chỉ có tầng lớp người Brazil giàu có mới hay bay đi Mỹ để du lịch và tranh thủ mua sắm. Lãnh sự quán Mỹ ở Sao Paulo sáng nào cũng đón cả ngàn người tới đây xếp hàng xin visa. Nhưng những người Brazil chỉ có thể dùng hàng nội địa cũng không phải thất vọng bởi chất lượng và mẫu mã của các nhà sản xuất trong nước đủ để người Brazil vẫn có thể sành điệu đi bar ban đêm và điệu đà đến công sở ban ngày.
Sự bảo hộ về kinh tế ấy làm người Brazil hướng nội nhiều hơn trên khía cạnh văn hóa xã hội khi bản sắc trong âm nhạc, lễ hội, văn học, ẩm thực ở đây vốn dĩ vô cùng phong phú.
Nhưng, những gì mà chúng tôi trải nghiệm và thu được ở Brazil, một phép thử nhỏ về Việt Nam chỉ là sự tiếp nối từ những chuyến đi trước kia. “Việt Nam đồng nghĩa với chiến tranh” vẫn là khái niệm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Cuối tuần vừa rồi, chúng tôi tìm tới nhà hàng Việt Nam duy nhất ở Sao Paulo và cũng là duy nhất ở Brazil. Ông chủ Võ Văn Phước, 58 tuổi người gốc Quy Nhơn, đặt tên cho nhà hàng là “Miss Sài Gòn”. Ông Phước bảo, ông đặt tên này theo một bộ phim nào đó mà một người Brazil đã kể với ông khi họ tình cờ gặp nhau trong một chuyến bay sang Mỹ.
Không phải phim. Những người Brazil ấy biết tới “Miss Saigon” bởi truyền hình của họ đã giới thiệu về một chương trình nhạc kịch cùng tên được dàn dựng và trình chiếu trên sân khấu ở Mỹ, từng lập kỷ lục về bán vé cả ở Mỹ và Anh, như diễn liên tục trong 10 năm trên sân khấu Broadway thu về gần 300 triệu USD hay chỉ trong một ngày bán vé ở Anh đã thu về 4 triệu bảng.
Vậy đấy, người Brazil biết về Việt Nam, rồi tìm tới một nhà hàng Việt nhờ một sản phẩm văn hóa tạo dựng bởi những người Mỹ.
Cũng Okay đúng không, bởi đó là minh chứng của một thế giới phẳng, của xã hội thông tin điện tử xóa bỏ những rào cản về địa lý. Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta chỉ biết chờ đợi sự may mắn như thế, khi mà Miss Saigon vẫn chỉ nói về chiến tranh?
Phạm Tấn (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa
Tags