Thư châu Âu: Bữa nem tặng bạn

Thứ Hai, 16/11/2015 06:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị, hôm rồi, vợ chồng con cái tôi mang các nguyên liệu làm nem qua nhà một người bạn thân. Vợ chồng Alessandra-Mario là những người bạn rất đặc biệt của chúng tôi và rất có cảm tình với Việt Nam. 

"Tôi rất mê ăn đồ Việt, nhất là món nem. Còn con gái tôi thì rất thích cơm”, có lần chị nói. “Nếu có thể, lúc nào qua nhà tôi dạy tôi làm món Việt nhé”. Chúng tôi nhận lời.

Các bạn châu Âu rất thích nem và phở. Với họ, đấy là những quốc hồn quốc túy ẩm thực Việt và được một người Việt mời đến nhà ăn tối, hoặc được tặng những thứ đó như những món quà, là một vinh dự rất lớn. Với vợ chồng người bạn cũng thế.

Mỗi năm, chúng tôi mời họ đến các buổi tiệc đối ngoại của sứ quán - Tết ta và Quốc khánh - và họ tuyên bố đã trở thành “fan” của nem. Mấy người bạn quen khác cũng thế. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể mời họ đến nhà, trừ những người thân nhất. Vợ chồng Alessandra-Mario là một dạng đặc biệt, và làm nem ở nhà họ cũng là một điều đem đến cho tất cả chúng tôi những niềm vui.


Món nem - đặc sản ẩm thực Việt

Chỉ có điều, để ăn được bữa nem quả là mất thời gian. Làm nhân cho nem, với rất nhiều những thứ nguyên liệu cần phải băm băm thái thái, sau đó quấn nem và rán mất hàng tiếng đồng hồ. Khi cả nhóm ngồi vào bàn ăn tối cũng đã khá muộn, và đầu tóc quần áo thì đủ mọi thứ mùi.

Bạn ăn khen ngon, đầy vẻ thích thú, bảo đấy là “thành quả lao động” của cả nhà, người thì thái cà rốt và trộn các nguyên liệu, người quấn nem, người rán nem. Bạn bảo, người Việt giỏi thật, làm ra những món ăn tuyệt vời này, nhưng bạn cũng tuyên bố là sẽ “cân nhắc” nếu một ngày nào đó tự chị làm nem, sau khi được “học”: “Vất vả quá, mất thời gian nữa, để ăn được một bữa như thế thật không đơn giản chút nào”.

Tôi hiểu tư duy của bạn. Người châu Âu ngày nay thích cái gì đơn giản, gọn nhẹ, không mất quá nhiều thời gian và công sức. Đã ăn tối nhiều lần ở nhà những người bạn phương Tây, tôi thấy sự nhẹ nhàng ấy, không nhiều món, làm cũng đơn giản (bạn chẳng cho mình đụng tay vào cái gì trong quá trình bạn nấu bếp) nhưng cái đọng lại cuối cùng là vui, là những cuộc trò chuyện thú vị của mọi người.

Bữa ăn thực ra chỉ là cái cớ để mọi người gặp nhau và thân thiết nhau hơn. Những bữa ăn như thế không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, cả người mời lẫn người ăn. Những người phụ nữ, luôn là người quyết định việc ăn gì, đi chợ và nấu nướng bao giờ cũng là người vất vả nhất. Nhưng ở bên này, tôi không nhận thấy điều ấy.

Nếu phải so sánh, tôi thấy phụ nữ mình vất vả hơn phụ nữ bên này nhiều. Các bà các cô bên này làm bếp, kể cả nấu ăn mời khách, cũng nhàn tênh. Vì truyền thống ẩm thực, vì cách chế biến món ăn, vì tư duy liên quan đến chuyện ăn uống cũng khác biệt, thậm chí quá khác biệt.

Tự nhiên tôi nhớ những lần đi ăn cỗ. Cỗ bàn bao giờ cũng đủ món và những bữa cỗ bao giờ cũng đông đủ mọi người. Đối với nhiều người thuộc thế hệ cũ và bọn trẻ con - như tôi hồi còn bé tí, đi ăn cỗ là một điều gì đấy tuyệt vời lắm, vì đó là cơ hội để tụ tập.

Những người đàn ông thì thích ngồi riêng một chỗ, cụng ly và nói chuyện chính trị. Đám trẻ con ngồi mâm riêng và nói chuyện của chúng. Còn phụ nữ lại ngồi một mâm khác. Họ luôn là những người đầu tắt mặt tối từ hôm trước cho việc đi chợ, sau đó nấu ăn từ sớm hôm sau để kịp bữa cỗ cho chục người đến vài chục người là ít, cuối cùng lại còng lưng rửa bát đến hết ngày.

Lớn lên rồi, mới nhận ra phần phụ nữ làm cho việc bếp núc, ngoài bữa ăn hàng ngày của gia đình, còn có Tết nhất, lễ lạt và cúng giỗ, là vô cùng nặng nhọc và chỉ muốn một lúc nào đó, thấy tư duy của chúng ta về vấn đề này thay đổi.

Thay đổi ở chỗ, “giải phóng phụ nữ” không chỉ ở những vấn đề to tát liên quan đến chính trị hay quyền lợi trong lao động, mà còn cả hình ảnh của họ trong xã hội, cũng như tư duy liên quan đến họ, từ giảm bớt cho đến gạt bỏ những tư tưởng đòi hỏi ở họ sự hy sinh.

Không thể có chuyện chỉ có họ hy sinh mà không có chuyện người khác, ở đây là cách đàn ông, không chia sẻ. Không có chuyện những vùng quê càng nghèo thì cỗ bàn càng phải to. Không có chuyện chỉ có những người phụ nữ nai lưng trong bếp làm đồ nhậu cho cánh đàn ông “chém gió”. Chừng nào chuyện cái ăn không còn là một điều gì đó quá quan trọng và thậm chí mang tính chất sĩ diện đối với nhiều người và nhiều gia đình thì có lẽ mọi thứ sẽ thay đổi.

Đương nhiên, không phải lúc nào ta cũng có thể đi ăn hàng hoặc chỉ làm đồ hộp, đồ đông lạnh cho giản tiện. Đồ ăn Việt đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức chế biến. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta không có những suy nghĩ khác đi, hoặc chính chị em cũng có ý kiến, để làm giảm phần nặng nhọc sẽ kéo dài cả đời họ đi, từ đó hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn, sao cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, những cái Tết hay giỗ chạp không còn còng lưng vì chuyện ăn uống phải ngon, phải to, phải hoành tráng.

Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người không đồng tình với những gì tôi viết ra. Ngay cả nhiều phụ nữ Việt tôi nói chuyện này cũng bảo, “chúng em quen rồi” hay “chúng em thích thế”.

Nhưng cứ khi nhìn những người phụ nữ bên này hưởng thụ cuộc sống theo cách của họ, dù vẫn vào bếp và thực hiện những công việc của gia đình, là lại nghĩ đến chị em nhà mình. Tôi cả nghĩ quá chăng?

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›