(Thethaovanhoa.vn) - Báo chí viết rằng, nước Italy vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng có hai thứ ngày càng phát đạt. Đấy là ngành kinh doanh kem và các hoạt động bẩn thỉu của mafia.
Thưa quý anh chị,
Người ta bảo, ấn tượng đầu tiên rất khó phai. Tôi còn nhớ như in cái lần đầu tiên ăn kem trên đất Italy gần 10 năm trước. Đấy không phải là quán kem, mà chỉ là một quán bar - cà phê nhỏ gần nơi tôi ở, một khu bình dân ở rìa Thủ đô Rome.
Tủ kem nằm ở ngay cửa ra vào, đứng ngoài đường cũng thấy, nhưng sự đặc biệt của nó chỉ có thể được cảm nhận khi đứng trước nó: phải đến 15 khay kem các kiểu xếp ngay ngắn, với những biển tên gắn ở trên đó.
Tôi được chọn ba vị, nhưng lúng búng mãi mới biết nên chọn vị nào để ăn, không phải chỉ chóng mặt vì chưa bao giờ nhìn thấy nhiều loại kem đến thế, mà có lẽ vì nụ cười của cô bán kem xinh đẹp đứng sau quầy.
Kem là một phần quan trọng trong Bảo tàng Thực phẩm Gelato Museum nổi tiếng ở Italy
Bây giờ, cảm giác choáng ngợp kiểu ấy không còn nữa, vì những cô gái Italy xinh đẹp giờ hình như đã đi làm người mẫu hoặc diễn viên điện ảnh hết, nên đứng sau quầy toàn là cô béo ú hoặc các anh trông chẳng điển trai lắm, nhưng lại choáng váng vì kem ngon quá, hoặc nhiều vị quá, như một tiệm kem lớn có tới hơn 150 vị khác nhau ở trung tâm Rome.
Sống với họ lâu và đi nhiều nơi ở châu Âu để so sánh, tôi tin rằng, người Italy có lẽ thuộc dạng nghiện kem nhất Lục địa già. Nhìn cảnh những đoàn người xếp hàng dài trên hè dưới cái nóng oi bức đến nghẹt thở của tháng 7 để chờ đến lượt mình vào mua kem trong một cửa hàng nhỏ nhưng rất nổi tiếng ở ngoại ô Rome thì mới thấy nỗi đam mê của họ lớn đến mức nào.
Trời nắng đến 40 độ C là một lý do để người ta ăn kem nhiều hơn, nhưng ngay cả khi trời mát và thậm chí mùa Đông, cái tiệm kem ấy cũng chưa bao giờ vắng khách. Nhìn những người bán kem mồ hôi đầm đìa múc kem cho khách là hiểu được sự sung sướng và ngọt ngào trong nỗi nhọc nhằn ra sao. Đơn giản là vì ở đây, ai cũng mê kem như con trẻ.
Báo chí viết rằng, nước Italy vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng có hai thứ ngày càng phát đạt. Đấy là ngành kinh doanh kem và các hoạt động bẩn thỉu của mafia. Mafia là một câu chuyện khác, đắng ngắt của Italy mà người ta phải sống chung với nó. Nhưng sự bùng nổ của nỗi đam mê liên quan đến kem lại là một hiện tượng mang tính xã hội.
Điều gì ẩn giấu phía sau 21 nghìn tiệm kem lớn nhỏ trên toàn Italy và ngày càng tăng hơn, rồi hôm nọ, một trường dạy làm kem nổi tiếng ở Rimini thông báo, họ chưa bao giờ chứng kiến số lượng học viên đăng ký đông đến thế cho khóa học của năm 2015? Mới rồi, trên Đài Phát thanh RAI, một nhà nghiên cứu (chắc cũng nghiện kem) nói rằng, thích sự ngọt ngào là bản chất của người Italy. Họ thích nịnh, thích được vuốt ve, thích sự chiều chuộng và lãng mạn, hoa tình.
Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi kem Ý ngày càng phát triển trong thời buổi mà người ta cảm thấy thiếu sự ngọt ngào của cuộc sống. Mà kem Italy, được làm thủ công và mỗi hãng kem, mỗi tiệm kem đều có các loại kem khác nhau, vị khác nhau, chứ không phải là theo dây chuyền công nghiệp, cũng được người Italy xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi đã từng thích thú khám phá ra điều ấy, khi khoan khoái ngồi trong tiệm kem Italy của một ông chủ người Calabria rất thích tán phét ở Braunau-Am-Inn, biên giới Áo - Đức.
Tiệm kem ấy nằm ngay phía dưới căn nhà của một nhân vật mà đến giờ, nơi này không muốn nhắc tới. Adolf Hitler đã được sinh ra ở đây vào năm 1899. Lúc đó, có lẽ những người Italy lắm lời như gã bán kem miền Nam Italy kia chưa tới đây và kem Italy cũng chưa nổi tiếng đến thế, nhưng đấy đã là một thứ đồ ăn ưa chuộng của người Italy sau khi Buontalenti - một kiến trúc sư - ở Florence tìm ra được cách làm cho hoa quả đóng đá.
Kem sau đó trở thành một biểu tượng của Italy khi cùng Gregory Peck và Audrey Hepburn xuất hiện trong một cảnh ăn kem trên các bậc thang Tây Ban Nha ở phim Kỳ nghỉ ở Rome.
Năm ngoái, một lễ hội kem lớn đã được tổ chức ở Florence. Dưới cái nóng của một ngày tháng 9, người ta đứng thành những hàng dài để mua kem. Và trời ơi, họ không ăn chỉ một hàng kem, mà có người chỗ nào cũng ghé qua ăn. Tôi cũng thử theo họ khi mua một vé ăn thử... 18 loại kem khác nhau, vì cứ ngỡ rằng, chỉ được ăn thử một thìa kem là cùng. Hóa ra, mỗi một loại kem là một cốc kem không hề nhỏ. Hôm ấy, tôi không ăn tối. Một bụng kem là đã quá đủ ngọt ngào để hiểu một phần đất nước Italy là gì.
Bao nhiêu năm ở Italy là bấy nhiêu năm ăn kem, và đi đến vùng đất nào ở Italy tôi cũng tìm đến những cửa hàng kem “artigianale” (thủ công). Ban đầu thì không phân biệt được cái hay và dở cũng như sự đặc sắc của các loại kem của từng vùng, từng thành phố hay nhà kem, nhưng sau này dần dần cũng làm được điều ấy, hệt như khi sống ở đây lâu, có thể nhận ra được người đang nói chuyện với mình đến từ vùng nào, qua trọng âm trong cách nói của họ.
Kem đã đi vào đời sống của người Italy như thế nào? Tôi thích một bài hát của Pupo, nói về kem chocolate. Ca sĩ huyền thoại Gianni Morandi cũng có một bài hát về kem chanh. Thống kê cho thấy, mỗi năm, 1 người Italy tiêu thụ 6kg kem, con số đầy ấn tượng về sự đam mê ngọt ngào của họ.
Và có một quảng cáo kem tôi đã xem và nhớ mãi. Trên nền nhạc cực kỳ lãng mạn, có một đôi đang ăn kem. Chàng cầm một chiếc ốc quế, nàng một chiếc khác. Họ cùng nhìn nhau đắm đuối không nói lên lời. Thế rồi, nhạc dừng đột ngột, người thứ ba xuất hiện. Trong khi đôi kia vẫn đang thèm thuồng nhìn nhau (chứ không phải nhìn kem), anh ta... lấy lưỡi liếm hết cả hai cái kem kia rồi sung sướng bỏ đi. Thông điệp hiện lên trên màn hình: “Trước khi bạn chảy vì nhau, hãy đừng để kem chảy” (!).
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags