Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường Đại học, các Viện nghiên cứu đến từ Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Bỉ, Canada, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” là sự tiếp nối thành công của hội thảo về hai quần đảo được tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 4/2013. Điều này cho thấy chủ đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; đồng thời cũng cho thấy sự đóng góp của các ý kiến trong cuộc hội thảo đối với xu thế chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới, đó là hướng tới sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực Biển Đông.
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đăng Phước nhấn mạnh, hành động này của Trung Quốc là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận chủ đề "Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực", tập trung phân tích khía cạnh chính trị, quân sự tranh chấp ở Biển Đông qua các tham luận "Tranh chấp Hoàng Sa, vấn đề chính trị và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác"; "Thủ đoạn "ngư phủ- tàu lạ" của Trung Quốc sử dụng để lấn dần từng bước, rồi thực hiện một cuộc "tiểu chiến tranh" cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, qua tư liệu lưu trữ của Việt Nam Cộng Hòa (1954- 1975)"; "Câu chuyện về đường 9 đoạn, quá khứ, hiện tại và tương lai"; "Mối liên hệ của Học thuyết Stimson ở Đông Á thế kỷ 21"; "Sự không công nhận như một biện pháp thách thức Trung Quốc gia tăng xâm chiếm Biển Đông"; "Sự ép buộc được điều chỉnh tăng lên ở Biển Đông".
Các đại biểu cũng đã tập trung xoay quanh chủ đề này bằng những giải pháp hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh được thể hiện qua các tham luận "Cuộc chiến pháp lý hay cuộc chiến quân sự? Hãy để cơ chế tòa án làm dịu các cuộc tranh chấp ở châu Á"; " Giải pháp cho đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị những tính toán chiến lược của Trung Quốc ngăn trở triển vọng"; "Tăng cường cách tiếp cận khu vực đối với tranh chấp Hoàng Sa"; "Từ lịch sử thế kỷ 20 đến địa chính trị hiện tại, hướng tới hợp tác và cùng phát triển trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa vì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới"; "Sự giao thoa Châu Âu và những cuộc xung đột ở Biển Đông - Vấn đề và kiến nghị".
Bằng những chứng cứ, tư liệu lịch sử, khoa học... Giáo sư Carlyle A. Thayer, nguyên Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á khẳng định: Nếu chúng ta tính từ lịch sử xa xưa tới thế kỷ 17 và thế kỷ 18 rất rõ ràng thấy rằng Việt Nam có cơ sở đáng kể về yêu sách của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong thế kỷ thứ 17, chúa Nguyễn đã ra lệnh cho các quan chức trong triều thu nạp thủy thủ cho từ 5 đến 18 thuyền, tạo nên đội Hoàng sa. Đội Hoàng Sa hoạt động ở quần đảo Hoàng sa khoảng 5 tháng để đánh cá, vẽ bản đồ, khảo sát và lấy hàng hóa từ các tàu buôn bị chìm. Các vị Vua triều Nguyễn tiếp tục duy trì đội Hoàng Sa. Vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816. Dưới thời của người kế vị, Vua Minh Mạng, đội Hoàng Sa lại tiếp tục khảo sát và vẽ bản đồ quần đảo, xây dựng một miếu thờ năm 1835, dựng một bia đá khắc lên yêu sách lãnh thổ của Vương quốc An Nam...
Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 đã tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai khu vực dọc theo vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vĩ tuyến này do vậy nó thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa phản đối sự chiếm đóng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các đảo thuộc nhóm An Vĩnh. Cũng năm đó Việt Nam Cộng hòa thay thế các lực lượng Pháp trên quần đảo Hoàng sa và Bộ Khai khoáng khoa học và Công nghiệp nhỏ tiến hành một cuộc khảo sát đối với bốn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Quả quyết của Bateman là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1958 là không chính xác. Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc không đề cập tới quần đảo Hoàng Sa (hay là quần đảo Trường Sa) cũng như không hề thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa...
Ông cho rằng: Tranh chấp hiện nay về chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS. Việt Nam cần tranh luận mạnh mẽ điểm này trong các trao đổi cấp chính phủ với Trung Quốc. Việt Nam nên vận động Hiệp hội các nước Đông Nam Á tỏ ra mạnh hơn trong sự ủng hộ của ASEAN cho việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực... Việc Trung Quốc khẳng định "chủ quyền không tranh cãi" đối với Biển Đông và sự quả quyết về chủ quyền gần đây mang tính xâm lược không lường trước và việc sử dụng tàu quân sự, máy bay của Trung Quốc hiện nay là trở ngại chính cho việc quản lý các giá trị chung trên Biển Đông. Dựa trên sự phát triển này, các nước ASEAN nên dự thảo và phê chuẩn một Hiệp ước về Quy tắc ứng xử cho các lợi ích biển chung của Đông Nam Á...
Theo Patrick M. Cronin, Trung tâm Nghiên cứu an ninh Mỹ mới - CNAS; Trung Quốc đang ngày càng trở lên quyết đoán đối với yêu ách của họ trên Biển Đông. Những bức ảnh chụp hồi tháng 3 và gần đây được lưu hành cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Đảo Gạc Ma cũng chính là nơi Trung Quốc và Việt Nam có đụng độ hải quân tháng 3 năm 1988. Và đầu tháng 5 này Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá và tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Hai hành động trên ở Biển Đông cùng phản ánh những động thái trơ tráo trên Biển Đông và là một phần của những tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh...
Liên quan đến khu vực Châu Á và Biển Đông, Mỹ tìm cách nâng cao vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), một khuôn mẫu lập quy toàn cầu cần điều chỉnh việc sử dụng biển và đại dương, và ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nói chung, Mỹ ủng hộ luật pháp quốc tế, như cố gắng của Philippines kiện ra trước tòa trọng tài thường nhằm giúp xác định các cơ sở pháp lý của UNCLOS đối với yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Nước Mỹ cũng chống lại bất kỳ cố gắng nào nhằm giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hay cưỡng ép...
Sau khi phân tích kỹ càng về những giải pháp trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, Giáo sư Jerome A. Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, Đại học Luật New York cho rằng: Quan điểm chống lại sự tham gia của các cơ chế pháp lý của Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nước láng giềng tăng cường hợp tác phòng thủ với nhau, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn từ các nước lớn ngoài khu vực. Tình hình này đi ngược lại với các mục tiêu của ngoại giao chuyên nghiệp Trung Quốc và tạo ra căng thẳng đầy nguy hiểm đang tăng lên trong khu vực. Bắc Kinh nên cân nhắc lại sự thù địch của họ đối với các phán quyết của các cơ chế trọng tài công bằng và học cách được hưởng lợi từ những khả năng đó...
Văn Sơn - TTXVN
Tags