(Thethaovanhoa.vn) - Đến năm 2050 sẽ hết giẫm đạp hoa ở Việt Nam? Có câu hỏi này các luống hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm ở Thủ đô Hà Nội vừa tan nát dưới gót giày của những người đi đón giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa 2015 và 2016.
Có nhiều cách lý giải. Các luống hoa ấy quá hớ hênh thì là lỗi của những người tổ chức? Hay không gian cho các hoạt động lễ hội là các quảng trường được xây khi Hà Nội chỉ có vài trăm ngàn dân trong khi hôm nay nếu tính cả người tứ chiếng thì dân số Thủ đô đã là chục triệu?Tất cả đều đúng. Nhưng nếu nhìn qua mấy cái ngã tư và chuyện giao thông lại thấy chưa đủ. Ngã tư không có đèn giao thông hỗn loạn đã đành. Ngã tư có bốn góc bốn cột đèn xanh đỏ cũng hỗn loạn phải hỏi nhau đâu mới thực sự là gốc rễ vấn đề.
Ở một ngã tư nằm hơi xa trung tâm thành phố, người ta chậc lưỡi: Dân ở đây lên phố mà vẫn chưa văn minh. Nhưng ngã tư trong phố cổ Hà Nội toàn "dân phố hàng" thì vấn đề không phải là chuyện hộ khẩu.
Khi một ai đó đã lớn tuổi ta an ủi là thế hệ ấy không chấp. Nhưng khi vượt đèn đỏ, tạt đầu xe là những manh áo trắng đồng phục thì sao? Có bao nhiêu đứa trẻ trong số ấy đang học ở những ngôi trường tư thục, trường quốc tế và trường công lập?
Chúng ta phải tự hỏi phương thức giáo dục bất lực hay chúng ta đã quá coi thường những chuẩn mực của xã hội và thượng tôn pháp luật chỉ là một khái niệm trên giấy?
Chỉ biết rằng khi những đứa trẻ hôm nay tới trường vẫn vượt đèn đỏ thì sau này khi đã trưởng thành chẳng có gì đảm bảo là chúng biết dừng lại lúc đèn vàng nếu các yếu tố thuộc về cái gọi là "môi trường" vẫn thế.
Nhưng chúng tôi có một cách này xin chia sẻ: Nếu quý vị có con em của mình bước ra cửa chơi đêm giao thừa thì không chỉ dặn chúng phải mặc áo ấm mùa Đông mà còn nhắc nhớ chúng đừng bước lên hoa và đạp lên cỏ. Xây dựng xã hội bắt đầu từ tế bào gia đình.
Chúc quý độc giả nhiều niềm vui!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags