Thủ đoạn giả mạo trang web mua sắm tinh vi: Nếu không thấy biểu tượng đặc biệt này, đừng mua gì trên đó!

Thứ Ba, 28/03/2023 14:28 GMT+7

Google News

Người dùng thường không nhớ địa chỉ một trang web cụ thể mà thường vào Google gõ tên trang web để nhận gợi ý truy cập. Nắm bắt được thói quen này, kẻ gian thường giả mạo trang web với địa chỉ và tên miền gần giống thật nhằm lừa đảo người dùng.

Mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua, mang đến sự thuận tiện và khả năng tiếp cận cho người mua sắm trên toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi này là nguy cơ trở thành nạn nhân của các trò gian lận mua sắm trực tuyến và các trang web giả mạo.

Những kẻ lừa đảo thường tạo các trang web, email hoặc tài khoản mạng xã hội giả trông có vẻ chính chủ nhưng được thiết kế để lừa mọi người cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài chính hoặc tài khoản thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ không có thật.

Ỷ lại vào sự tiện dụng của Google, nhiều người dùng không mấy khi nhớ địa chỉ một trang web cụ thể. Họ thường gõ cụm từ vào thanh tìm kiếm để nhận được đề xuất trang web và click chuột vào đó.

Nắm bắt được lỗ hổng này, kẻ gian thường giả mạo trang web với địa chỉ và tên miền gần giống thật, mua quảng cáo để Google đề xuất ở những kết quả tìm kiếm đầu tiên, khiến người dùng lầm tưởng.

Ví dụ, trang web chính thức của nền tảng thương mại Shopee là shopee.vn. Các trang giả mạo có thể sử dụng tên giả mạo gần giống để qua mặt như shoppe.net, shopee.info v.v…

Điều quan trọng là phải hiểu cách phát hiện các trang web giả mạo và tránh trở thành nạn nhân của các trò gian lận mua sắm trực tuyến. Dưới đây là những bí kíp để người dùng kiểm tra một trang web.

Kiểm tra địa chỉ trang web (URL)

Điều đầu tiên bạn nên làm khi vào một trang web là kiểm tra địa chỉ. Một trang web chính chủ sẽ có URL được viết đúng chính tả, không có bất kỳ ký tự thừa hay lỗi chính tả nào.

Mặt khác, một trang web giả mạo có thể có URL giống với trang web chính chủ, nhưng có một chút khác biệt. Ví dụ: trang web giả mạo có thể sử dụng ".com" thay vì ".com.vn" hoặc ".org" thay vì ".com". Luôn kiểm tra cẩn thận URL trước khi nhập bất kỳ thông tin cá nhân nào hoặc mua hàng.

Tìm biểu tượng ổ khóa

Đây là dấu hiệu quan trọng và phổ biến nhất. Biểu tượng ổ khóa là dấu hiệu cho thấy trang web được bảo mật và có chứng chỉ bảo mật SSL. Điều này có nghĩa là bất kỳ dữ liệu nào bạn nhập vào trang web đều được mã hóa và tin tặc không thể truy cập được.

Nếu một trang web không có biểu tượng ổ khóa hoặc nếu biểu tượng ổ khóa bị hỏng, tốt nhất bạn nên tránh trang web đó và tìm một nhà bán lẻ trực tuyến khác. Hầu hết các trang web chính chủ và uy tín sẽ đều có biểu tượng này.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra URL của trang web để xem liệu nó có bắt đầu bằng "https" thay vì "http" hay không. "https" cho biết kết nối an toàn.

Thủ đoạn giả mạo trang web mua sắm tinh vi: Nếu không thấy biểu tượng đặc biệt này, đừng mua gì trên đó! - Ảnh 1.

Biểu tượng ổ khóa cạnh địa chỉ web cho thấy trang web có chứng chỉ bảo mật an toàn.

Kiểm tra chi tiết liên lạc

Một trang web chính thức sẽ luôn có các chi tiết liên hệ như số điện thoại, địa chỉ email hoặc địa chỉ thực được liệt kê trên đó.

Nếu bạn không thể tìm thấy bất kỳ chi tiết liên hệ nào, đó là dấu hiệu cho thấy trang web có thể không hợp pháp. Ngay cả khi trang web có chi tiết liên hệ, bạn nên kiểm tra chúng bằng cách gọi điện hoặc gửi email cho công ty để xác minh.

Cùng với đó, các cửa hàng trực tuyến chính chủ sẽ có tính năng trò chuyện trực tuyến hoặc email dịch vụ khách hàng. Hãy thử liên hệ với dịch vụ khách hàng nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào trước khi mua hàng.

Đọc đánh giá

Trước khi mua hàng, bạn nên kiểm tra các đánh giá về trang web và các sản phẩm đang bán. Tìm kiếm các đánh giá trên chính trang web đó, cũng như trên các trang đánh giá độc lập như Google.

Nếu một trang web có nhiều đánh giá tiêu cực hoặc không có đánh giá nào, thậm chí là giá sản phẩm rẻ đến đáng ngờ, tốt nhất nên tránh trang web đó và tìm một nhà bán lẻ trực tuyến khác.

Kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp

Các trang web giả mạo thường có lỗi chính tả và ngữ pháp trên trang, đây là dấu hiệu cho thấy trang web đó có thể là giả mạo. Tìm lỗi trong nội dung của trang web, cũng như trong phần mô tả và đánh giá sản phẩm. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ lỗi nào, tốt nhất là tránh trang web và tìm một nhà bán lẻ trực tuyến khác.

Thận trọng khi thanh toán

Chỉ thực hiện thanh toán thông qua các phương thức thanh toán an toàn, chẳng hạn như thẻ tín dụng hoặc các ví điện tử. Tránh thực hiện thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng hoặc các phương thức trả trước vì khó theo dõi và không thể hoàn tiền nếu có vấn đề với giao dịch.

Mạnh Kiên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›