(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay, tôi lên trường gặp giáo sư, một người gắn bó và yêu Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1970. Như thường lệ, trước khi bắt tay vào công việc, hai thầy trò chào hỏi và trao đổi với nhau vài câu đầu ngày bằng tiếng Việt.
“Từ bản tin tối hôm qua đến nay, đài NHK và các đài khác của Nhật cứ đưa đi đưa lại tin bắt cô tiếp viên của Vietnam Airlines liên quan vào đường dây ăn cắp đồ ở Nhật, tôi và bà nhà tôi xem mà đau. Rồi báo chí rùm beng nghi án quan chức JTC hối lộ, nay lại đưa đậm tin này. Mà cũng tại mấy bữa nay truyền thông chúng tôi không có “big news” nên những tin như thế này lại được chú ý đưa đậm...”, giọng thầy nghèn nghẹn như trách móc các đơn vị truyền thông nước bạn.
Những người hiểu và yêu Việt Nam như thầy xem bản tin thời sự đều chung tâm trạng như vợ chồng thầy. Vì yêu nên họ muốn bảo vệ hình ảnh Việt Nam. Dù bằng chứng lúc này đều chống lại hình ảnh người phụ nữ với chiếc áo dài thướt tha của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam thì thầy vẫn một mực đổ lỗi tại... truyền thông Nhật Bản. Không bằng chứng nào thuyết phục được lý lẽ từ trái tim. “Thật tệ hại. Họ đang đánh đồng tất cả người Việt Nam”, thầy bảo.
Cũng cần nhắc lại, gần đây, ngoài “Phở”, chuyện “Việt Nam thắng Mỹ”, “cặp song sinh bị dính nhau Việt - Đức đã từng được điều trị tại Nhật Bản”..., người Nhật bắt đầu nói chuyện về Việt Nam, một đất nước xinh đẹp, văn hóa, ẩm thực ngon. Song những sự vụ gần đây khiến mọi thứ đảo chiều chóng mặt.
Số lượng người Việt ồ ạt vào Nhật Bản kéo theo vô vàn hệ lụy. Những hiện tượng như: Người Việt đi tàu trốn vé, ăn cắp vặt ở siêu thị, buôn tiền bất hợp pháp đã không còn là chuyện hiếm... Những vụ việc diễn ra nhiều đến mức thay vì chỉ nhờ người Việt hỗ trợ ngôn ngữ, cảnh sát Nhật đã phải tiến đến bước mở liên tục các lớp học tiếng Việt cho nhân viên của mình.
Trang Jiji Press vừa qua đưa thông tin rằng người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp tại các cửa hàng, siêu thị, số vụ phạm tội của người Việt ở Nhật Bản tăng đến 60% trong 9 năm qua, lên đến 1.118 người trong năm 2013.
Ở một quốc gia duy tình như Việt Nam, những sai lầm trong ứng xử hay kể cả phạm pháp kiểu “trộm gà trộm chó” nhỏ lẻ thường dễ giải quyết bằng… tình cảm (hoặc trao đổi vật chất được bao bọc trong mỹ từ “tình cảm”). Những mối quan hệ chồng chéo, tâm lý ngại kiện tụng đưa đến những lần tặc lưỡi cho qua trên bàn nhậu. Điều này làm chúng ta dễ vỗ ngực tự hào rằng chúng ta vị tha, chúng ta đoàn kết...
Nhưng nước Nhật không thế. Nước Nhật không tin vào nước mắt của người sau khi bị bắt. Họ càng không chấp nhận giải quyết tay đôi, bỏ qua luật pháp. Chúng ta nên hiểu, một đất nước mà với tất cả người dân sự trung thực và liêm chính được tạo dựng ý thức ngay từ tấm bé thì phạm pháp khó lòng được xuê xoa, thông cảm.
Thông cảm sao khi kẻ tiếp tay cho nạn trộm cắp núp danh nhân viên hãng hàng không trong tà áo dài thướt tha như hình ảnh đại diện của một quốc gia (?!)
Thông cảm sao khi những vụ trộm nhỏ lẽ lại diễn ra đều đặn và có dấu hiệu có hệ thống (?!)
Nói chung, khi luật pháp là tối thượng, thông cảm là thứ viễn vông.
Những vụ việc như trên trong thời gian qua, tạm thời hiện nay chưa có ảnh hưởng tiêu cực nào đáng kể đến cuộc sống của người Việt tại Nhật. Nhưng nếu vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà chúng ta không ý thức giữ gìn thì có nghĩa chúng ta đang dần khép lại cánh cửa bước tiếp của mình.
Và đến lúc ấy, hẳn nhiên, những người Việt ở Nhật đành về nước chờ đồng bào... thông cảm!
Ngô Quang Vinh
Nghiên cứu sinh, ĐH Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản
Tags