(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ, một năm đầy đau thương với thế giới. Lịch sử đã từng chứng kiến nhiều trận đại dịch cướp đi hàng triệu sinh mạng. Tuy nhiên, chưa có thảm họa nào lan nhanh và rộng khắp thế giới như Covid-19.
Chỉ thời gian ngắn, con virus corona tai ác đã biến thể, tung hoành khắp 5 châu, 4 biển. Chúng ta cứ ngỡ nguy hiểm đâu xa, nhưng rồi một ngày, bỗng dưng người ta chăng dây trước ngõ.
Con virus đã không ngán bất cứ một ai, không “ưu tiên” bất cứ quốc gia nào, từ nghèo đói đến cường quốc. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều bị nhiễm Covid-19. Mới đây, tổng thống Czech Milos Zeman đã phải ngồi trong... lồng kính để bổ nhiệm tân Thủ tướng Petr Fiala.
Cuộc sống liên kết toàn cầu có mặt trái là khiến cho bệnh dịch lây lan nhanh hơn. Việc người hiện đại có khả năng đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian 20 giờ hoặc ngắn hơnđã khiến bệnh dịch lan tràn và phát triểnbởi họ có thể mang theo virus cùng với hành lý xách tay. Covid-19 nhắc nhở ta rằng bệnh truyền nhiễm chính là thách thức lớn trong bối cảnh “toàn cầu hóa”.
Không chỉ phận người quá mong manh, mà dịch bệnh cho thấy thế giới này cũng rất “dễ vỡ”. Nhiều quốc gia lâm vào khó khăn cho đến khi vaccine được sáng chế và phủ rộng. Nhưng virus lại có khả năng sinh ra chủng mới. Tất cả những tiến bộ khoa học mà loài người có được trong việc chống lại bệnh truyền nhiễmvẫn chưa cho thấy họ đỡ bị tổn thương hơn trước. Các nhà khoa học cho rằng, những vi sinh vật đã tiến hóa với tốc độ nhanh hơn con người gấp 40 triệu lần.
Thuốc kháng sinh đã cứu mạng hàng trăm triệu người từ khi người ta vô tình khám phá ra penicillin vào năm 1928, nhưng khả năng “kháng kháng sinh” của các vi khuẩn đang ngày càng tăng lên theo từng năm. Các mầm bệnh mới lần lượt xuất hiện, và chưa ai biết đâu là điểm dừng.
Với nền kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng trở nên cực kỳ dễ bị gãy đổ vì dịch. Đặc biệt với các nước nghèo, để gượng dậy sau đại dịch phải mất rất nhiều năm. Ai có các chiến hữu là doanh nghiệp hẳn đều cảm nhận rất rõ những mất mát không gì bù đắp về kinh tế. Mà đâu phải đại gia triệu đô, đến bà bán rau ngoài chợ cũng bị thất thu nghiêm trọng do đại dịch.
Sophia thân mến!
Dù muốn hay không, rốt cuộc thế giới và mỗi chúng ta sẽ phải tiếp tục đứng lên và sống. Chắc chắn dịch bệnh Covid-19 rồi sẽ chấm dứt. Mỗi một thảm họa trôi qua cũng là điều kiện để xây dựng lại một trật tự tốt đẹp hơn, hướng tới một triết lý sống nhân văn hơn.
- Thư gửi robot Citizen: 'Lá chắn' cho trẻ em
- Thư gửi robot Citizen: Tạm biệt 'dã chiến'
- Thư gửi robot Citizen: Thông điệp của 'Ranh giới'
Rất nhiều người trong chúng ta đã trở nên yêu thiết tha cuộc sống mỏng manh này. Trong cơn đại dịch, chúng ta càng thấm thía tình nghĩa đồng bào.
Trong cơn đại dịch, các quốc gia cũng có xu hướng xích lại gần nhau hơn. Nước lớn giúp nước nhỏ, thông qua viện trợ tiền bạc, vaccine, thiết bị y tế… Những hợp tác, cam kết mang tính toàn cầu vì lợi ích con người đã được thực hiện rất nhiều trong một năm qua. Dịch bệnh đã đánh thức rất nhiều năng lực tiềm ẩn của các quốc gia, mỗi cá nhân, và toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ.
Covid-19 đã lướt qua tất cả các mảnh đời, để lại nhiều nỗi đau khôn nguôi. Rồi đây, khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, chắc chắn mọi người sẽ thương yêu nhau hơn. Tình thương là yếu tố cốt tử để xây dựng nên một thế giới rực rỡ và nhân bản.
Tạm biệt Sophia và chúc độc giả năm mới an lành, cổ vũ nhiều hơn cho chuyên mục này!
Hữu Quý
Tags