Sophia thân mến! Hôm qua, tôi điện cho ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hỏi thăm về tình hình hai bảo vật mà Huế đã tiếp nhận hôm 17/4, đang trưng bày mở cửa miễn phí tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Đó là mũ quan đại thần và áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn vừa được đấu giá thành công tại Tây Ban Nha. Tập đoàn Sunshine đã hiến tặng và thực hiện trưng bày các cổ vật có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 gắn liền với đời sống cung đình triều Nguyễn, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Tập đoàn này cho biết, tổng chi phí phải bỏ ra để đưa hai bảo vật về đến Huế thành công là 35 tỷ đồng.
Ông Việt Trung phấn khởi “khoe” là mấy ngày qua, khá đông người đến chiêm ngưỡng hai bảo vật trên, trong đó có rất nhiều học sinh các trường trung học. Bảo tàng sẽ tiếp tục mở cửa đón khách tham quan miễn phí đến ngày 17/5.
Xã hội hóa kinh phí, tận dụng các mối quan hệ, tranh thủ tình cảm của kiều bào…, để đưa bảo vật về nước, Huế đã và đang thực hiện khá hiệu quả.
Lịch sử nhân loại quá nhiều biến động, đặc biệt chiến tranh đã làm lưu lạc rất nhiều bảo vật của mỗi quốc gia, chúng ta cũng không là ngoại lệ. Sứ mệnh đưa “châu về hợp phố” không thể chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai, vì thế rất cần sự kiên nhẫn, linh hoạt, đặc biệt là có các cơ chế thích ứng để “khơi thông” dòng bảo vật “chảy về” cố hương.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập; hiện đang lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử, trong đó có tới 120 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (trong tổng số 164 bảo vật quốc gia). Đáng tiếc, phần lớn bảo tàng hiện mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thật sự trở thành nơi học tập hoặc những điểm đến hấp dẫn du khách; chưa gắn kết với các chương trình du lịch, thu được kinh phí từ hoạt động tham quan.
Sophia thân mến!
- Thừa Thiên – Huế: Tiếp nhận và trưng bày hai cổ vật triều Nguyễn
- Hai cổ vật triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài trở về Cố đô Huế
- Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ 'Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại'
Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng từng nêu thực trạng rằng: Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng đi vào hoạt động đã hơn 100 năm. Bên trong bảo tàng trưng bày và lưu giữ hàng ngàn hiện vật như một kho báu, trong đó có đến 6 bảo vật quốc gia. Năm 2017, nhân Hội nghị APEC tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều đoàn quan chức các nước tấp nập đến bảo tàng. Năm 2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, rồi Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã lần lượt đến tham quan bảo tàng này dù các ngài lưu lại Đà Nẵng chỉ một ngày. Sinh thời, cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã chỉ đạo cơ quan chức năng của Chính phủ bảo lãnh hàng chục triệu USD để mượn 30 hiện vật tiêu biểu Bảo tàng Điêu khắc Chăm đưa sang Pháp triển lãm năm 2005. Tổng thống Chirac và phu nhân đã dành cả một ngày Chủ nhật đích thân đến chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật từ bảo tàng này. Thế mà, anh chị em phụ trách các bảo tàng ở Đà Nẵng bao gồm Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật cho biết, rất, rất nhiều quan chức các sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện ở thành phố chưa một lần bước chân đến các bảo tàng với tư cách là người tham quan, nghiên cứu.
Vấn đề này xin chuyển cho Sophia thử nghiên cứu xem có giải pháp gì không?
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Tags