(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Mấy ngày này, dù không rầm rộ nhưng các hoạt động hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vẫn chân thành, bền bỉ. 2 đứa con tôi là học sinh tiểu học nằm trong khu vực còn “điểm nóng” về dịch, nên vẫn chưa thể đến trường. 3 mẹ con loay hoay làm thiệp để mừng cô giáo chủ nhiệm.
Tôi viết thư này khi những buổi học online vẫn cứ diễn ra, cô chủ nhiệm vẫn chưa một lần được gặp mặt trực tiếp học trò. Nhiều bạn mới trong lớp cũng chỉ biết nhau qua màn hình. Mạng Internet khi nhanh, khi chậm, tiếng cô, trò lúc nhỏ, lúc to…
Thời gian đầu, mọi sinh hoạt rối tinh lên vì học online, quả thật cả cô, trò, phụ huynh đều mệt lả.Nhưng, ngoài “bị mệt”, về sở học của con, tôi nhận ra một điều là không bị quá nhiều ảnh hưởng. Thậm chí, các cháu còn được học rất nhiều kiến thức quan trọng không có trong sách giáo khoa. Phụ huynh có điều kiện gần con, thúc ép chúng, nên tiến độ, chất lượng bài học vẫn đảm bảo. Đặc biệt về kỹ năng sống, chúng trở nên sâu sắc hơn khi trực tiếp trải nghiệm mọi cảnh huống của dịch tác động rất gần đến gia đình và hàng xóm.
Điều đáng suy ngẫm hơn cả, quá trình học online, phụ huynh được chứng kiến hoặc vô tình phải nghe các buổi học. Để rồi, nhận ra rất nhiều vấn đề, cả tích cực lẫn hạn chế của việc dạy, học hiện nay. Đấy là điều mà lâu nay phụ huynh thường chỉ được nghe con kể, hoặc nghe ngóngkiểu “cưỡi ngựa xem hoa” qua các phương tiện truyền thông.
Cá nhân tôi và có lẽ nhiều phụ huynh khác, đều muốn sự tiến bộ của việc dạy, học không chỉ ở hình thức “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” như trên online. Viết đến đây, lại nhớ bao cảnh huống cười ra nước mắt liên quan đến việc học online trong mùa dịch. Cũng có những câu chuyện buồn, như học trò ghi âm sai sót về “phát ngôn thiếu kiềm chế” khiến có cô giáo phải lao đao. Từ đó, gần như đã thành phản xạ có điều kiện, các giáo viên đã rất ôn hòa khi dạy online, bởi biết rằng không chỉ có học sinh đang ngồi trước màn hình.
Sophia thân mến!
Từ chuyện phụ huynh được “mở mắt” qua nhiều buổi học online của con, chắc chắn khát vọng dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật lại càng mãnh liệt trong lòng mọi người. Đấy cũng là quan điểm, là “từ khóa” mà Chính phủ giao cho ngành giáo dục trong bối cảnh mới, nhiệm kỳ mới.
Bàn về chữ “thật”, chúng ta không nên quên từ trái nghĩa, tức là chữ “giả”. Rõ ràng, đến lúc phải tuyên chiến quyết liệt với các dạng thức giả: Bằng cấp giả, dạy giả, học giả, nhân tài giả... bao nhiêu năm làm trì trệ nền giáo dục.
Không xây dựng được một nền giáo dục thực chất, rất khó tạo nên nguyên khí quốc gia. Nhân tài thực trong nước bị lẫn trong “giả”, chưa chắc đã được phát triển.
Chúng ta cùng đọc các con số sau đây: Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ với 21.631 sinh viên trong năm học 2020 - 2021; Việt Nam cũng tiếp tục đứng thứ 2 toàn cầu về số lượng sinh viên theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng của Mỹ, chiếm tới gần 11% tổng số sinh viên quốc tế theo học tại các trường này.
Đó là thống kê đó của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) vừa công bố báo cáo thường niên Open Doors hôm 16/11. Điều đó nói lên thực trạng: Những người có điều kiện đầu tư cho học hành và những tài năng trẻ ở ta không hiếm. Xây dựng nền giáo dục thật, nâng cấp hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong nước cấp theo hướng toàn cầu hóa, liên kết với các nước có nền giáo dục tiên tiến, để những người có nhu cầu có thể được học tập ngay trên đất nước mình. Từ đó mở ra lộ trình cống hiến cho quê hương theo cách ngắn hơn, rõ ràng hơn.
Chúc các thầy cô giáo có ngày 20/11 bình an, có thêm nhiều động lực để tiếp tục cuộc trường chinh dạy thật, học thật!
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Tags