18/03/2022 07:33 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Năm nay, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, hay còn gọi là Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness), rơi vào Chủ nhật tuần này. Đây là ngày lễ được Liên hợp quốc quyết định từ năm 2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới.
Xin được lược khảo sơ qua lịch sử ngày hạnh phúc, nó được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé và xinh đẹp, nằm ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya. Từ những năm đầu tiên của thập kỷ 1970, Bhutan đã ghi nhận vai trò của hạnh phúc quốc gia. Nước này coi trọng hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia và đã đề ra mục tiêu “tổng hạnh phúc quốc gia” thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Còn Báocáo Hạnh phúc Thế giới thì căn cứ vào các tiêu chí nào để đánh giá chỉ số hạnh phúc các quốc gia? Xin thưa, dựa trên khảo sát ý kiến của người dân tại 149 quốc gia để xếp hạng mức độ hạnh phúc của họ, cùng các dữ liệu khác như tổng thu nhập quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân... để đưa ra một điểm số về sự hạnh phúc của từng nước.
Xin được nhắc lại, năm 2021, Phần Lan tiếp tục tục dẫn đầu năm thứ 4 liên tiếp. Theo sau là Iceland, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Các quốc gia còn lại trong Top 10 gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Na Uy, New Zealand và Áo. Việt Nam chúng ta xếp thứ79/149.Các nước châu Phi như Lesotho, Botswana, Rwanda và Zimbabwe nằm cuối bảng xếp hạng. Trong đó, Afghanistan là nước kém hạnh phúc nhất thế giới trong năm đó.
Trở lại quốc gia kém hạnh phúc nhất, Afghanistan, hơn nửa thế kỷ đắm chìm trong chiến tranh, bất ổn, đã khiến nhân dân họ triền miên trong đau khổ. Mà không những thế, cả thế giới cũng “nghiêng ngả” theo quốc gia này.
Vậy thì năm 2022 này, liệu Ukraine có bị đẩy xuống nhóm quốc gia kém hạnh phúc nhất, thậm chí thế chỗ Afghanistan, khi hàng loạt thành phố đang đổ nát vì bom đạn, bao nhiêu sinh mạng đã ngã xuống? Còn Liên bang Nga, giả sử như sẽ chiến thắng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang diễn ra, liệu có leo lên nhóm hạnh phúc nhất?
Chưa chắc. Ta chỉ chắc chắn một điều rằng, chỉ có hòa bình mới có thể mang lại hạnh phúc chung cho tất cả.
Hòa bình, ổn định, thịnh vượng, cùng hợp tác, phát triển là khát vọng chung của cả thế giới, là trạng thái "cùng thắng", "win-win". Còn các cuộc chiến tranh hay tình trạng xung đột bạo lực thì không mang gương mặt của hạnh phúc vìcó kẻ thắng người thua và cácbên đều phải trả giá.
Sophia có đồng ý rằng, rất khó định nghĩa thế nào là hạnh phúc không? Bởi hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc bậc cao, có tính nhân bản sâu sắc. Cho dù thế nào, nếu mọi suy nghĩ, hành động, mục đích không gắn chặt với tha nhân thì không thể gọi là hạnh phúc.
"Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất..." - nhà văn Diderot từng nói. Hay như Karl Marx đã viết từ năm 1835: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình...". Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus cho rằng: "Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc”.
Trong chúng ta, không ai sinh ra được quyền lựa chọn bố mẹ,quê hương mình. Do đó, mỗi cá nhân buộc phải tự thích nghi, hoàn thiện để đạt hạnh phúc theo xu hướng văn minh nhân loại đang phấn đấu. Nhiều cá nhân, gia đình hạnh phúc thì chỉ số hạnh phúc của quốc gia chắc chắn sẽ tăng.
Qua 2 năm dịch giã càng thấy, hạnh phúc đôi khi chỉ là sự bình an trong tâm hồn, cơ thể khỏe mạnh, gia đình thuận hòa, được ra phố, đến cơ quan mà không phải nơm nớp âu lo...
Thế giới hiện đại càng đẩy con người đến trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng, nhất là nguy cơ chiến tranh, dịch bệnh, hành xử thiếu nhân văn với nhau giữa các cá nhân, giữa các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Ngày Quốc tế Hạnh phúc còn là ngày của hành động quyết liệt hơn để xây dựng một thế giới đem lại hạnh phúc cho loài người trên trái đất bao la.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất