Thư gửi robot Citizen: Hãy lan tỏa 'tình cảm gia đình'

Thứ Sáu, 28/06/2019 07:12 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Phải đủ phong sương mới đến được khát vọng

Phải đủ phong sương mới đến được khát vọng

Phần đọc hiểu của đề thi ngữ văn THPT quốc gia sáng 25/6/2019 là hai đoạn trích trong bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Phần đọc hiểu này có 4 câu hỏi, mà câu hỏi số 4 là về hành trình theo đuổi khát vọng của con người.

Khi lá thư này tới tay cô thì tại Việt Nam chúng tôi, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 cũng vừa kết thúc. Điều đáng nói là qua kỳ thi này, nhiều sự việc đã cho thấy mọi người đã có những hành động như người trong một gia đình, nó cũng rất ý nghĩa khi nhắc lại những chuyện này nhân dịp Ngày gia đình Việt Nam (28/6).

Kỳ thi năm nay có lẽ là đặc biệt. Điều đặc biệt này không nằm ở trong đề thi, không phải do số lượng thí sinh dự thi hay quy chế thi… mà là những việc làm, những hình ảnh mọi người hỗ trợ và giúp đỡ cho các sĩ tử bên ngoài phòng thi. Đó mới thực sự là điều gây ấn tượng mạnh.

Sophia thân mến!

Từ chuyện một em học sinh ở Nghệ An bị tật nguyền bẩm sinh, đi lại khó khăn, mặc dù được đặc cách, thế nhưng em vẫn quyết định tham gia kỳ thi như các bạn mình. Bạn này ngồi trên chiếc bàn chuyên dụng và hai bạn nam cùng lớp khiêng tất cả vào phòng thi là hình ảnh tạo thiện cảm đối với nhiều người.

Đến một cậu học sinh ở Bạc Liêu bị bệnh xương từ năm lớp 7, gia cảnh khó khăn. Ngày đi thi cậu cũng được một anh cảnh sát đưa đón, cõng đi thi. Một hình ảnh rất thân thương.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ cảnh sát cõng thí sinh bị bệnh xương thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Báo Thanh Niên

Tại Huế có câu chuyện cảm động khác, một em gái bị viêm màng bồ đào từ năm 14 tuổi, mọi thứ trước mặt em không còn nhìn thấy rõ, thay vào đó là màn sương mờ trắng đục. Trước kỳ thi, hồ sơ bệnh án của em đã được gửi ra Bộ GD&ĐT để xin ý kiến làm riêng cho em một bộ đề thi đặc biệt. Theo đó, em sẽ có một bộ đề thi riêng được in trên khổ giấy A3 với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để có thể đọc được.

Còn tại Hà Giang, một thí sinh ngủ quên, lực lượng công an tỉnh đã điều xe chuyên dụng lập tức lên đường hỗ trợ đón thí sinh này đến điểm thi kịp giờ. Tương tự tại Quảng Trị, các tình nguyện viên tại đây đã "giải cứu" thành công một thí sinh người dân tộc Vân Kiều vì bận đi tìm con bò bị mất của gia đình nên quên đi thi…

Rồi chuyện một người cha mang chân giả cõng con trai lên phòng thi tầng 2, một bà ngoại đi bộ nhiều cây số đến nhà con gái bị mù để thuê xe ôm đưa cháu gái đi thi, và có cả thí sinh vừa mới mổ xong tại bệnh viện cũng được xe cứu thương đưa đến điểm thi…

Rất nhiều Sophia ạ. Quả thật, đó là những câu chuyện ấm áp tình người, thể hiện sự chung tay chia sẻ gánh nặng thi cử của toàn xã hội đối với các em.

Sophia thân mến! Ở Việt Nam chúng tôi nhiều năm trước đây, ở các kỳ thi đại học đã xuất hiện các phong trào như “Tiếp sức mùa thi”, “Đồng hành cùng sĩ tử”… các chương trình này chủ yếu hỗ trợ và chia sẻ thông tin điểm thi, dịch vụ nhà trọ, quán ăn giá rẻ phù hợp, hỗ trợ gia đình các thí sinh di chuyển… Sự giúp đỡ này là rất thiết thực đối với các sĩ tử.

So với hồi chúng tôi thi THPT cách đây mấy chục năm, việc hỗ trợ và giúp đỡ đơn giản chỉ là vá, sửa xe nếu không may thủng săm, tuột xích. Còn bạn bè trong lớp thì hỗ trợ đèo nhau đi và về trong suốt kỳ thi. Vì phương tiện đi lại lúc đó chủ yếu là xe đạp.

Ngoài ra, những gia đình gần điểm thi cũng hay tạo điều kiện cho chúng tôi giờ nghỉ trưa vào uống nước, ra giếng rửa mặt cho tỉnh táo. May mắn hơn thì được gia chủ nhường cho cái võng hoặc cái chõng tre nằm nghỉ trưa.

Đó cũng là cái tình người mà sau rất nhiều năm chúng tôi vẫn nhớ.

Cái khác của kỳ thi năm nay là những việc làm tốt này giống như một vườn hoa, tất cả đều cùng nở rộ trên khắp các địa phương trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Và không chỉ hỗ trợ di chuyển, dịch vụ. Có điểm thi, tất cả học sinh thi xong được nhà trường bố trí bữa cơm trưa miễn phí. Để duy trì trong suốt 3 ngày thi, Ban giám hiệu nhà trường đã vận động xã hội hóa để tổ chức bữa cơm trưa cho 250 em (mỗi suất khoảng 45.000 đồng). Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra nấu ăn. Tất cả các khâu đều được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có một câu danh ngôn mà tôi quên mất tác giả là ai. Đó là “Khi một người chia sẻ, tất cả mọi người đều thắng”.

Vâng, chúng ta cùng nhau chia sẻ và mong sao cho tất cả các thí sinh năm nay đều thành công trong kỳ thi. Làm sao để cho tinh thần “tương thân tương ái” này lan tỏa và thấm sâu vào trong cuộc sống đời thường, kể cả khi không có kỳ thi nào diễn ra.

Nếu mọi người giúp đỡ, chăm sóc cho những hoàn cảnh khó khăn như tình cảm của một phụ huynh trong gia đình, không những trong kỳ thi như vừa qua mà cả ở nhiều trường hợp khác để tinh thần Ngày gia đình lan tỏa vào cuộc sống, nhiều người trong xã hội sẽ có được niềm hạnh phúc.

Và đây cũng chính là câu chuyện tôi muốn kể cho cô nghe tuần này.

Xin chào tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Xuân An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›