(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Tôi xin chia sẻ câu chuyện xảy ra “bên Tây” chưa lâu mà hẳn bạn cũng đã đọc hoặc xem trên mạng. Một thị trưởng tên là Oscar Ramirez Aguilar, ở Frontera Comalapa, Mexico, được cho là “hứa hẹn quá đà nhưng không thực hiện”, đã bị một đám đông cử tri giận dữ kéo ra khỏi văn phòng đưa đến trói vào một gốc cây trong 2 giờ.
Lý do, cư dân ở 11 khu phố khác nhau trong vùng từ lâu đã chờ đợi để có được nước sạch để uống. Các cử tri đã bầu vị thị trưởng này vì lời hứa rằng ông sẽ mang lại nước sạch cho cộng đồng. Nhưng khi ông ta trúng cử, họ thấy ông ta “ba xạo”. Ngài thị trước khi được cởi trói đã phải nói lời xin lỗi và hứa sẽ lập tứcsửa sai.
Nói chung ở Tây, thi thoảng cũng có vụ quan phụ mẫu bị dân tình manh động hành xử bất nhã, liên quan đến kỳ vọng (trong đó có lời hứa với dân), không được đáp ứng.Tôi thì không đồng tình với cách cư xử mang tính chất bạo lực ấy. Nhưng qua đó cũng có thể thấy “sức ép” của lời hứa trước dân lớn như thế nào!
Sophia thân mến!
Những ngày này, bên đất nước tôi, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp sửa diễn ra. Những cuộc tiếp xúc cử tri đã rộng khắp. Người dân cũng hết sức trăn trở trước những lời hứa của các ứng viên. Cũng phải ghi nhận đời sống chính trị hiện nay khá cởi mở nên trên các trang mạng, địa phương nào cũng đều đăng công khai chi tiết lý lịch, “chương trình hành động” của các ứng viên, kèm theo chữ ký.Thành ra, chân dung các ứng viên càng rõ nét. Cũng như tiền lệ, ứng viên nào cũng trình bày những lời hứa hết sứctốt đẹp mà mình sẽ mang lại cho người dân trong địa hạt, nếu trúng cử.
Tôi rất ấn tượng khi nghe ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lưu ý rằng, cử tri có quyền chất vấn ứng cử viên và sau này là các đại biểu dân cử về lời hứa của mình. Nếu đại biểu không thực hiện được lời hứa của mình thì có thể bị cử tri không bỏ phiếu bầu trong đợt bầu cử tiếp theo nếu tái tranh cử.
Được biết, trong kỳ bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban Công tác đại biểu của Quốc hội đã có cải tiến, đó là yêu cầu các ứng cử viên nộp chương trình hành động làm cơ sở theo dõi, giám sát lời hứa của ứng cử viên khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Sophia thân mến!
Từ cổ đến kim, lời hứa của các yếu nhân chính trị trước nhân dân có tương thích với hành động hay không, đấy là hai mệnh đề khá “nhạy cảm”. Tình trạng “lời nói gió bay”, “hứa suông”sau khi trúng cử không phải là không có. Điều đó khiến dân buồn lắm.
Mà người dân giờ đây rất tinh tế, có nhiều kênh thông tin để kiểm tra, giám sát lời nói và hành động của những người mà họ tin tưởng bỏ phiếu. Điều đó tạo ra áp lực không nhỏ cho những cán bộ. Cũng là tốt, vì thế khiến các cán bộ phải tự phản tỉnh, nỗ lực thực hiện những lời hứa (và cả lời thề) của mình.
Có thể nói, đất nước đang đứng trước một chu kỳ quan trọng, một nhiệm kỳ mới vẫn chưa bão hòa những lời hứa và lời thề. Trong lịch sử dân tộc, không hiếm những lời hứa, lời thề, hội thề ghi dấu ấn chói lọi để thế hệ ngày nay phải soi vào. Như Hải Phòng có hội Minh Thề (hay còn gọi là Miêng thệ - lời thề miệng), rất hay. Tại buổi lễ, mọi người cùng thể hiện sự quyết tâm tu dưỡng đạo lý, nhân cách sống trong sạch, tử tế, không tham của công, nhất là đối với những người công bộc của nhân dân.
Hội thề Lũng Nhai, cách đây 6 thế kỷ mang ý nghĩa to lớn hơn. Một ngày xuân tháng 2 năm Bính Thân 1416, tại địa danh có tên Lũng Nhai, Lê Lợi và 18 vị hào kiệt đã có lời thề cùng chung chí hướng đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn gấm vóc. Sự kiện đó đã trở thành lời hiệu triệu muôn người hướngvề Lam Sơn. Hội thề Lũng Nhai được ví như “hội thề đất trời, hội thề non nước, hội thề của những con người cần lao đã bị đẩy đến bước đường cùng thà chết không chịu làm nô lệ. Lời thề được chiết ra từ trái tim, khối óc vì non sông nghĩa cả một đi không trở lại”. Và rồi, từ tinh thần và khí phách Lũng Nhai, ngọn lửa bình Ngô đã được thổi bùng dậy, hừng hực nhiệt huyết chiến đấu và chiến thắng!
Lời thế ấy còn vang mãi trong lịch sử.
Tạm biệt Sophia và hẹn những thư sau!
Hữu Quý
Tags