Sophia thân mến! Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, học sinh cả nước lại bước vào năm học mới 2022 - 2023. Một tin vui cho các gia đình nghèo có con em đang độ tuổi đến trường, đó là bắt đầu từ năm học mới này, phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa (SGK) cho học sinh mượn có thể được triển khai.
Đề xuất này được Bộ GD&ĐT đưa ra từ cuối tháng 6. Đến đầu tháng 8, Chính phủ cũng đã yêu cầu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ kịp triển khai từ năm học 2022 - 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sophia thân mến!
Câu chuyện mượn SGK trong trường phổ thông không phải là điều gì mới mẻ. Từ thời chúng tôi đi học, những năm 80 của thế kỷ trước, thì rất phổ biến đã có. Nhớ hồi đó, cứ vào dịp cuối Hè là bọn tôi tìm những anh chị học lớp trên, hỏi xem có còn quyển SGK cũ, dư thừa nào không thì xin mượn lại, nếu vẫn còn thiếu thì vào ngày tập trung sẽ đăng ký mượn SGK với nhà trường. Cán bộ lớp sẽ tổng hợp số lượng rồi theo lịch đến thư viện nhận sách về phát cho cả lớp. Đứa nào may mắn được mượn cuốn sách lành lặn, trắng tay, lại được bọc sẵn bìa họa báo thì sướng rơn. SGK Tiếng Nga mà thì bền lắm, đẹp như họa báo, chỉ có điều hay bị các anh chị lớp trên vẽ gạch râu ria vào bài…
Việc cho học sinh mượn SGK không những bớt đi được phần nào gánh nặng cho các gia đình nghèo, tránh lãng phí mà còn dạy cho học sinh bài học về tiết kiệm, ý thức giữ gìn sách vở, giữ gìn đồ dùng của công. Đúng là rất nhân văn, ai đến trường cũng đều có sách để học tập.
Sau này, khi rời ghế nhà trường, tôi cũng không nhớ rõ bắt đầu từ khi nào các trường học thôi không tiếp tục duy trì việc cho học sinh mượn SGK. Nghịch lý ở chỗ Việt Nam chưa phải là quốc gia có thu nhập cao, vậy mà sau mỗi một năm học, hàng triệu cuốn SGK lại được mua mới, hầu như không được tái sử dụng, kể cả trong nội bộ gia đình.
Chính vì lý do này, phương án dùng ngân sách Nhà nước mua SGK cho học sinh mượn đúng là một “tin vui”. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để tái sử dụng SGK có hiệu quả nhất ? Có cách nào kéo dài vòng đời sử dụng một cuốn SGK?
Để làm việc này, thì với số lượng SGK nhiều như hiện nay, các trường cần có hệ thống thư viện bảo quản tốt, có thanh kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng SGK công khai, minh bạch.
Với các em học sinh mượn hoặc thuê SGK, nếu như không có ý thức bảo quản, giữ gìn, làm rách, làm mất hoặc viết vẽ lem nhem vào SGK thì các trường cần xây dựng khung giá với các mức phạt. Làm sao khiến cho học sinh có ý thức với việc giữ gìn SGK, hiểu rõ trách nhiệm của mình với tư cách là người đi mượn, đồng thời mức phạt cũng đủ để mua thay thế, bù vào số lượng sách hư hỏng hàng năm.
- Thư gửi robot citizen: Phần thưởng cho con
- Thư gửi robot citizen: Viết cho tuổi 15
- Thư gửi robot citizen: Chóng mặt cùng sách giáo khoa
Sophia thân mến!
Tôi nhớ trong trang đầu SGK lớp 1 những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại miền Nam có một lời nhắc nhở rất ý nghĩa. Lời nhắc đó có câu: “Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi (ví dụ như trong sách Toán)”.
Nhắc lại điều này để nói rằng, dù SGK có phải bỏ tiền ra mua hay là được sử dụng miễn phí, mỗi học sinh cũng cần phải được dạy bảo, nhắc nhở ý thức bảo quản, giữ gìn những cuốn sách và đồ dùng học tập của mình. Để khi mỗi năm học kết thúc, các em có thể tặng lại cho các em lớp dưới, hoặc là gửi tặng cho các bạn ở vùng sâu vùng xa, những nơi còn khó khăn về kinh tế.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Xuân An
Tags