Sophia thân mến! Đôi khi tôi tự hỏi, với đà tiến bộ của công nghệ thông tin hiện nay, người ta sẽ mất bao lâu để nhận ra, điều chỉnh, sửa chữa những sai lầm về kiến thức của mình? Nhất là khi những sai lầm đó đòi hỏi phải được sửa kịp thời, nhanh chóng.
Mới đây, trong một cuộc thi kiến thức dành cho học sinh phổ thông, đã mắc một sai lầm mà đến nay vẫn còn làm nhiều khán giả băn khoăn.
Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình truyền hình quen thuộc ở Việt Nam, có tuổi đời hơn 20 năm. Trong hơn 20 năm tồn tại, chương trình đã minh chứng sức sống bền bỉ của mình. Được khán giả yêu mến. Bệ phóng cho nhiều bạn học sinh đoạt vòng nguyệt quế trong cuộc thi…
Giới thiệu sơ sơ cho Sophia vậy để Sophia biết đây không phải một chương trình lôm côm mới nổi. Kiến thức trong chương trình phải chuẩn, không phải kiểu “đố vui có thưởng”, sao cũng được. Đối với một chương trình như vậy, dễ hiểu vì sao khán giả thấy không hài lòng nếu có sai sót xảy ra ở đáp án.
Trong một tập Đường lên đỉnh Olympia gần đây, sai sót ấy lại xảy ra ở một câu hỏi tiếng Anh. Mà Sophia biết đó, chạm tới ngôn ngữ thì rắc rối khôn cùng. Chính những rắc rối đó đã khiến cho chương trình phải ra thông báo xin lỗi chỉ ít giờ sau khi phát sóng trực tiếp.
Nếu đã xem tập này Sophia có thể thấy chương trình đã đầu tư cho phần câu hỏi tiếng Anh này rất nhiều, khi mời cả ca sĩ nổi tiếng thế giới Charlie Puth tham gia đặt câu hỏi cho các thí sinh.
Thí sinh được hỏi đã đưa ra một đáp án không giống với chương trình chuẩn bị, nhưng không sai. Và điều này buộc chương trình phải nhận lỗi, nhưng lời nhận lỗi ấy cũng nói rằng dù có trả lời đúng đi nữa thì cũng không làm thay đổi thứ hạng chung cuộc.
Dĩ nhiên, suy nghĩ một cách (xin lỗi Sophia) máy móc, thì đúng. Cho dù có trả lời đúng, thì điểm số cuối cùng vẫn không giúp bạn thí sinh đó dành được ngôi quán quân. Tuy nhiên, chương trình đã không nhớ rằng trong đời sống lúc nào cũng tồn tại những biến số, và đây là cuộc thi giữa những cá nhân, nhất là những cá nhân đó là các em học sinh chưa va chạm nhiều với cuộc sống.
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia vẫn gọi vui các thí sinh tham gia là “những nhà leo núi”. Trong bất kỳ môn thể thao nào, có ai dám nói yếu tố tâm lý không ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của vận động viên?
Nếu như đáp án của thí sinh nọ được chấp nhận, tâm lý thoải mái, cuộc “về đích” trơn tru, liệu kết quả có thay đổi không?
Dĩ nhiên, giờ đây, nói cái sự “nếu như” đó chẳng làm thay đổi được gì, mà chỉ khiến ta bận lòng thêm. Nhưng nó làm lời khẳng định chắc nịch, kết quả chung cuộc không thay đổi, dù có “lắc lư” đôi chút.
- Hành trình 'leo núi' của quán quân Đường lên đỉnh Olympia Đặng Lê Nguyên Vũ
- Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Vua tốc độ' thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2022
- Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021: Hoàng Khánh đoạt vòng nguyệt quế
Lời đính chính được đưa ra ngay khi chương trình trực tiếp kết thúc không lâu, sự cầu thị của đội ngũ làm chương trình cũng đáng ghi nhận. Nhưng giá như sự tham vấn của chuyên gia xuất hiện ngay trong thời gian chương trình diễn ra, thì có lẽ, phần câu hỏi vốn được đầu tư công phu như một điểm nhấn, sẽ trọn vẹn hơn. Và niềm vui chiến thắng của quán quân sẽ không bị phân tán bởi những điều khác.
Sophia còn nhớ không, trong suốt lịch sử chương trình không ít lần nổ ra tranh cãi về các đáp án (ngay cả tên của chương trình cũng từng là chủ đề tranh cãi). Việc chương trình vẫn được khán giả quan tâm, chứng tỏ sức hút của một chương trình, giữa bạt ngàn những chương trình giải trí khác. Nhưng có lẽ lần này, Đường lên đỉnh Olympia vẫn chưa đáp ứng được sự yêu mến và kỳ vọng của khán giả.
Sophia thấy đó, dẫu công nghệ của Sophia tiến bộ đến đâu, loài người chúng tôi vẫn chỉ nối kết và xử lý chậm chạp vậy đấy, dù có bao nhiêu nhân lực, bao nhiêu năm kinh nghiệm.
Thôi, hẹn Sophia ở thư sau.
An Kha
Tags