Thư gửi robot Citizen: 'Những con đường trải dài bóng mát…'

Thứ Sáu, 26/06/2020 07:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Cây xanh nào cho Hà Nội?

Cây xanh nào cho Hà Nội?

Loại cây nào có thể coi là biểu tượng của Hà Nội? Và trong xu hướng “xanh hóa” thành phố, những loại cây nào nên được lựa chọn để ươm trồng?

Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước chúng tôi đang trong những ngày nắng nóng gay gắt khiến cho mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Trưa ngày 23/6, khảo sát nhiệt độ tại mặt đường một số tuyến phố còn lên đến… 65 độ C. Người đi đường đều phải khoác trên mình những bộ đồ chống nắng kín mít...

Cảnh thường thấy trong những ngày này là mỗi khi chờ đèn đỏ tại các điểm giao cắt, ai cũng cố len vào chỗ có bóng râm. Thậm chí chỉ một vệt bóng đổ của xe buýt cũng là chỗ tránh nắng lý tưởng của người đi xe máy. Hình ảnh ấy khiến tôi cảm thấy nghẹt thở.

Cách đây vài ngày, tôi đưa con gái đi thi, giờ các cháu tan là vào tầm 12h trưa cho nên cũng cảm nhận được cái nắng gay gắt thế nào. Ngồi cầm lái mà cảm tưởng lốp chiếc xe máy cứ mềm nhũn ra như sắp hết hơi. Lúc ấy không chỉ riêng tôi, ai đi đường cũng đều nép về phía... bóng cây.

Sophia có biết không, thủ đô Hà Nội nổi tiếng là thành phố xanh với diện tích ao hồ, mặt nước rất lớn cùng những tuyến phố rợp bóng cây xanh. Tuy nhiên so với nhu cầu bóng mát của hàng triệu người dân trong mùa Hè nóng như đổ lửa này thì dường như vẫn cứ là chưa đủ. Chương trình 1 triệu cây xanh từ năm 2016 đến nay đã phủ xanh trên rất nhiều tuyến phố nhưng cơn khát bóng râm vẫn còn nóng bỏng. Sophia biết đấy, để có được những hàng cây trùm bóng mát xuống cả con đường thì không thể ngày một ngày hai... Cho nên, cùng với việc trồng mới cây xanh, phải bảo vệ nghiêm ngặt vốn cây xanh sẵn có.

Chú thích ảnh
Cảnh thường thấy trong những ngày này là mỗi khi chờ đèn đỏ tại các điểm giao cắt, ai cũng cố len vào chỗ có bóng râm. Ảnh: Internet

Sophia thân mến!

Tôi được biết rằng, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, việc đốn hạ, di dời hay là trồng mới cây xanh… đều được quy định cụ thể và thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Đơn cử như tại Vancouver (Canada), có 2 loại giấy phép được yêu cầu đối với các cây xanh trồng trong thành phố, một loại dành cho cây xanh trên đường phố, loại còn lại dành cho cây xanh do người dân trồng. Nếu không được cấp phép mà cứ tiến hành đốn hạ hay di dời sẽ bị phạt tiền…

Tại Việt Nam chúng tôi, cách đây 10 năm, Nghị định Số 64/2010/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị cũng đã được ban hành. Nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị được ghi rõ tại điều 3, phần 6: “Khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình đường ống kỹ thuật hoặc khi tiến hành hạ ngầm các công trình đường dây, cáp nổi tại các đô thị có liên quan đến việc bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển, trồng mới cây xanh, chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh trên địa bàn biết để giám sát thực hiện. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải tuân thủ theo Điều 14 (Quy định việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị) của Nghị định này.

Cây xanh đô thị là một trong 3 tiêu chí quan trọng của “Phong trào thi đua xây dựng đô thị Xanh - Sạch - Đẹp”, và từ năm 2009 Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đã phát động phong trào này.

Đấy, cứ trải qua những đợt nắng nóng như mấy ngày vừa rồi, chúng ta sẽ thấy rõ hơn giá trị của cây xanh trên mỗi cung đường. Trong khi chen chúc chờ đèn đỏ dưới bóng râm ít ỏi ven đường; trong khi phải núp dưới bóng đổ của chiếc xe buýt, ta mới chợt nhận ra “những con đường trải dài bóng mát…” - lời ca khúc Tình cây và đất - vẫn là khát khao muôn thuở trong những ngày Hè.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Xuân An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›