(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Chuyện lạ khó tin vừa xảy ra ở TP Hà Nội của chúng tôi, ấy là chuyện “chán bắn chim, người đàn ông kê súng lên cửa sổ ngắm bắn người đi trên phố”. Cho tới thời điểm này thì Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ vụ việc các đối tượng đứng trên tầng cao bắn 80 viên đạn xuống đường khiến ít nhất 3 người bị thương.
Đầu tháng 5, anh Phan Văn Thành quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh có việc đi qua phố Nguyễn Thị Định bỗng nhiên bị nhói đau ở phần cổ và vùng ngực trái. Theo phản xạ, anh đưa tay lên ôm lấy ngực và ngã xuống đất. Máu tràn ở phần cổ và ngực ướt đẫm chiếc áo anh mặc trên người. Trước khi ngất lịm, anh chỉ kịp lờ mờ nhận thấy những cánh tay của người dân bế anh lên đưa vào bệnh viện… Anh không phải trường hợp duy nhất bị bắn bằng đạn súng hơi khi đi qua khu vực này.
Đến 12h trưa ngày 6/5, Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị liên quan đã làm rõ, bắt giữ 2 người là Vũ Tuấn Dũng và Đặng Trần Đức có liên quan đến sự việc.
Được biết, ban đầu Dũng chỉ dùng súng ngắm bắn vào bồn chứa nước của nhà dân, khoảng cách khoảng 100m để thử súng và tập ngắm. Sau khi quen súng và bắn chim mãi cũng chán, mỗi khi hứng thú, Dũng kê súng lên cửa sổ và ngắm, bắn người đi đường, mỗi lần bắn từ 2 - 3 viên đạn chì.
Sophia thân mến!
Khi đọc những thông tin về 2 đối tượng “bắn người” như là một trò tiêu khiển nêu trên, tôi chợt nhớ đến những khẩu súng gỗ trong những trò chơi của bọn trẻ ngày xưa.
Nhớ hồi còn học cấp 1, bọn trẻ chúng tôi cũng thích súng lắm, cũng chỉ vì tò mò thôi chứ hiểu cái gì đâu. Cái sự “thích” này được áp dụng khi chơi trò “Công an bắt gián điệp”- một trò chơi mà một bên “đóng vai công an”, bên kia “giả làm gián điệp”. Bắt chước trong phim ảnh, đứa nào cũng tự làm một khẩu súng ngắn bằng gỗ, hình dáng y như súng thật, để giắt vào cạp quần cho oai. Trong lúc chơi, khi 2 bên chạm mặt nhau thì rút súng gỗ ra hô “bòm”, ai hô trước người ấy thắng. Kết thúc trò chơi, bên nào còn ít người hơn là thua cuộc.
Một kỷ niệm về súng thời con nít, có thể nói là vô hại.
Nhưng bây giờ là thời đại 4.0, bọn trẻ không chơi như vậy nữa. Thay vào đó chúng chọn game online - là những trò chơi cực kỳ phổ biến hiện nay, trong đó có rất nhiều trò bạo lực bắn giết, nhất là game sinh tồn.
Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, tâm lý con người có 2 bản năng là gây hấn và tình dục. Trong các game bạo lực, dường như bản năng gây hấn đã được kích hoạt từ mức độ thấp nhất là đánh nhau bằng tay chân đến các loại hung khí như kiếm, dao và súng, cho đến những trò chơi tập trung vào việc bắn giết vô tội vạ, giết càng nhiều càng tốt, giết như là triết lý để sinh tồn…
Tất nhiên, mục đích chính của các trò chơi này là giải trí, vì vậy trò chơi sẽ không ngừng nâng cấp để tăng độ hấp dẫn, tăng các tính năng tương tác, tạo cho người chơi cảm giác như thật. Đây cũng là lý do khiến nhiều người chơi bị “nghiện” game online, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khác với đời thường, những hành vi “vô pháp luật” trong game như đâm chém, tàn sát, giết chóc… được xem là chuyện bình thường. Các chuyên gia tâm lý đã cảnh báo rằng, nghiện game bạo lực có nguy cơ dẫn đến việc người chơi lẫn lộn giữa cõi ảo và cõi thực, từ đó dễ có những hành xử bất chấp luật pháp.
Sophia thân mến!
Tôi phải nhắc lại lại rằng, chưa có thông tin nào và tôi cũng không cho rằng, vụ dùng súng bắn chim bắn người nêu trên có liên quan đến game online. Tôi chỉ muốn nhắc lại hậu quả của những game bạo lực đối với hành vi của một bộ phận giới trẻ nghiện game hiện nay, khi họ cũng lấy bạo lực (trên mạng ảo) làm tiêu khiển.
Vì thế, cùng với việc ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng vũ khí trái phép, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm việc kinh doanh các sản phẩm đồ chơi có tính chất bạo lực. Xã hội cũng cần kiểm soát những game online cổ súy bạo lực.
Chuyện súng đạn thì không thể nói chơi được. Đừng bao giờ lấy súng đạn ra làm trò đùa, kể cả là súng đạn đồ chơi, hay súng đạn trên mạng ảo.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Quốc Thắng
Tags