Thư gửi robot Citizen: 'Thấy của không tham'

Thứ Sáu, 17/05/2019 07:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Bộ trưởng GD&ĐT tặng Bằng khen học sinh nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất

Bộ trưởng GD&ĐT tặng Bằng khen học sinh nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa ký Quyết định tặng Bằng khen em Đỗ Văn Bằng, học sinh lớp 10A8, Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Bảy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng vì đã có hành động cao đẹp, nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất.

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, tại đất nước chúng tôi, rất nhiều câu chuyện nhặt được của rơi trả người đánh mất đã được đăng tải trên báo chí. Từ em học sinh nhỏ tuổi học lớp 5 ở Bình Phước đến thầy giáo tiểu học ở Kiên Giang. Từ những người phụ nữ như chị bán vé số hoàn cảnh khó khăn ở Biên Hòa, chị lao công làm việc ở Hà Tĩnh cho đến người cựu chiến binh ở Bình Định…

Và mới nhất, ngày 15/5,một thanh niên làm công việc dọn dẹp vệ sinh trong một khu chung cư ở quận Bình Thạnh cũng đã có một hành động đẹp. Trong quá trình dọn dẹp rác ở một căn hộ, anh nhặt được cọc tiền 7.400 USD (khoảng 170 triệu VND). Nam thanh niên này đã mang đến nộp cho Ban quản lý chung cư và nhờ tìm chủ nhân để trả lại.

Chú thích ảnh
Bé gái lớp 5 được trường khen thưởng cho hành động "nhặt được của rơi, trả cho người mất". Ảnh: Văn Trăm/VnExpress

Sophia thân mến!

Khi đọc những thông tin này, tôi bất chợt nhớ tới một bài thơ chúng tôi được học từ hồi cấp 1, nói thật là tôi cũng không nhớ được tên tác giả bài thơ này nhưng hình ảnh mấy đứa bạn tay cầm cuốn sách giáo khoa, ở đó có kẹp cái que tính đánh dấu trang có bài thơ này khi học thuộc lòng thì tôi vẫn nhớ.

Bài thơ như sau: Em Thanh nho nhỏ/ Học lớp 1B/ Hôm qua học về/ Vừa đi vừa hát/ Thấy 5 đồng bạc/ Của ai đánh rơi/ Thanh nhặt lên rồi/ Đem trình cô giáo/ Tươi cười cô bảo/ Đáng khen em ngoan/ Thấy của không tham/ Cho 10 điểm tốt.

Những người nhặt được của rơi trả lại người mất tôi vừa kể ở trên có một điểm chung giống nhau, đó là “thấy của không tham” và “thấy đúng thì làm”. Và đọc kỹ hơn thông tin về họ, tôi cũng thấy rằng đa phần họ có gia cảnh không được sung túc, nếu không muốn nói rằng rất khó khăn.

Nhớ lại quá trình làm việc tại một số siêu thị của Nhật tại Việt Nam, cũng rất nhiều lần nhân viên của siêu thị đã trả lại tài sản cho khách hàng không may bỏ quên khi đến siêu thị mua sắm, vui chơi. Vì là người quản lý, tôi có may mắn được là người làm chứng, được Phòng thông tin mời ra xác nhận việc làm của các chị nhân viên và cùng ký vào biên bản làm bằng chứng đểtránh những kiện tụng xảy ra sau này (nếu có). Biên bản này chúng tôi hay gọi vui là “phiếu bé ngoan”.

Nhiều hôm có đến ba, bốn trường hợp tôi phải ra quầy trung tâm chụp ảnh, ký xác nhận và cầm “phiếu bé ngoan” về văn phòng. Tôi để ý những ngày như thế, tinh thần làm việc của mọi người trong công ty rất vui vẻ, phấn khởi. Cái hành động đẹp đúng là cũng đem đến cho người ta những giá trị tích cực, lan tỏa được tình người, niềm tin...

Tôi để ý thấy rằng, ngay tại Việt Nam bây giờ cũng có rất nhiều các khu trả lại đồ đạc bị thất lạc tại các nơi công cộng như nhà ga, sân bay, các khách sạn. Thậm chí có một số quán cà phê tư nhân cũng có một góc nhỏ để một cái tủ kính có khóa, bên trong là những đồ vậtbị bỏ quên, để chờ người đến nhận lại. Đó cũng là những việc làm thiết thực, không cần phải đánh bóng hay quảng bá, ai nhìn vào cũng có thể hiểu được.

Đó cũng là những câu chuyện vui tôi muốn kể cho cô nghe vào dịp cuối tuần này.

Xin chào Sophia và hẹn gặp lại thư sau.

Xuân An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›