(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Tôi xin thông báo cho bạn một tin mà có lẽ tất cả người dân nước tôi đều vô cùng phấn khởi: Từ hôm qua, 1/7, Luật Cư trú mới bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không được cấp mới và lực lượng chức năng sẽ thu hồi những sổ đã cấp nếu thay đổi thông tin. Như vậy sẽ chấm dứt hơn 50 năm cơ cực trần ai vì “bùa hộ mệnh” mang tên “hộ khẩu”, một cuốn sổ bằng giấy nhưng thiếu nó thì công dân bị hạn chế rất nhiều quyền, thậm chí đến các nghĩa vụ công dân cũng không thể thực hiện được.
Một nỗi ám ảnh thực sự mỗi khi muốn làm việc gì liên quan đến nhân thân, người dân phải khai đi khai lại những thông tin mà mình khai không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời: Sinh sống ở đâu, quê quán nơi nào, sinh năm nào, chứng minh nhân dân số mấy, cha mẹ là ai... Rồi tiếp đó là phải in ấn, sao y đến các cơ quan chức năng địa phương chứng thực từng loại giấy tờ. Công sức, tiền bạc, thời gian... đổ ra không biết bao nhiêu mà kể nếu nhìn nó trong tổng thể quốc gia gần 100 triệu dân.
Dù cuốn số hộ khẩu bằng giấy đã hoàn thành sứ mệnh, nhưng sự tồn tại của nó quá dài, gây bao phiền muộn và tốn kém thì cần thiết phải gióng thêm hồi chuông cho những thủ tục hành chính nhiêu khê khác chưa bị“cáo chung”.
Vừa rồi, tôi cứ lần lữa việc đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, dù cô tổ trưởng nhắc chung rất nhiều lần. Đơn giản vì tâm lý đi phải sắp hàng chờ đợi quá lâu trong thời tiết nắng nực như thế này. 2 vợ chồng chọn một hôm mà thiên hạ làm đã vãn, ra công an phường xử lý thủ tục chỉ mất đúng 10 phút là xong. Căn cước gửi đến tận cơ quan.
Sophia biết không, có những vấn đề bất hợp lý ai cũng thấy rõ, nhưng thay đổi nó một sớm một chiều không dễ dàng chút nào. Như thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp là xu thế mà trên thế giới đã có tổng số 70 nước sử dụng, vậy mà chúng tôi thì mới vừa triển khai.
Sophia thân mến!
Tuần này, bên tôi có một sự kiện rất quan trọng- các học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau 12 năm đèn sách. Con cái là tài sản quý giá nhất, đây là bước ngoặt cuộc đời của chúng nên các ông bố, bà mẹ đang lo lắng vô cùng. Lo nhất là dịch đang hoành hành. Liệu con cái họ có được đảm bảo an toàn hay không khi con virus nó vô ảnh, cực kỳ nguy hiểm.
Tất nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch, chúng ta cũng có cơ sở để tin rằng kỳ thi này sẽ diễn ra an toàn, minh chứng làkỳ thi lớp 10 vừa rồi đã tổ chức rất tốt.
Song, không chỉ vì lý do an toàn, lâu nay đây đó vẫn có những ý kiến mổ xẻ về vấn đề: Nên hay không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia? Lý do,nhiều nước trên thế giới xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó họ đầu tư vào việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển cho các trường đại học, cao đẳng; xét tốt nghiệp dựa vào học bạ hoặc học theo chương trình tú tài quốc tế và thi để lấy kết quả vào đại học…
Điều quan trọng hơn, tổ chức thi cử quá cũng rất tốn kém. Ngoài kinh phí rất lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải bỏ ra, việc tổ chức thi tại các tỉnh, thành do các tỉnh chi trả. Còn nhớ khi bàn về vấn đề này năm ngoái, TS Lê Trường Tùng (ĐH FPT) đã ước tính, nếu tính tổng chi phí xã hội thì mỗi thí sinh 1 triệu đồng, khi đó 1 triệu thí sinh là 1.000 tỷ đồng. Cộng thêm các chi phí y tếđảm bảo an toàn, chúng ta đều cảm nhận được sự tốn kém càng nhân lên bội phần. Nếu dùng số tiền đó tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục theo chiều sâu, chắc chắn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực hơn.
Nói vậy cũng không có nghĩa rằng kỳ thi THPT quốc gia không có những ưu điểm của nó. Đấy là lý do nó vẫn tồn tại. Nhưng, xã hội luôn phát triển, các công nghệ mới luôn được áp dụng, kèm theo đó là những giải pháp mới. Và với tư duy đổi mới thì ta sẽ thấy rằng: Có những thứ tưởng chừng như không thể thay đổi được (như quyển sổ hộ khẩu giấy), đến một ngàylạicó thể được“số hóa” rất nhanh và ai cũng thấy là quá tốt.
Tạm biệt Sophia và hẹn gặp thư sau!
Hữu Quý
Tags