(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Cho đến giờ phút này, hẳn Sophia cũng đã cảm thấy yên tâm hơn cho Olympic Tokyo, bởi một nửa chặng đường đã đi qua khá suôn sẻ, chưa có rủi ro gì đáng kể. Còn nhớ trước sự kiện, khi được hỏi, khoảng 70% người Nhật Bản muốn hủy hoặc hoãn Thế vận hội này.
Cho nên, có thể xem đây không chỉ là chiến thắng của người Nhật, vốn có bản lĩnh lẫn ý chí tuyệt vời, mà còn có ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi tinh thần Olympic là biểu tượng cho các phẩm chất tốt đẹp nhất của nhân loại: Tình đồng đội, đoàn kết, tài năng và vị tha. Các vận động viên tham dự đều đã vượt qua những thách thức to lớn. Ông cho rằng nếu tất cả mọi người đều có được nguồn năng lượng đó khi đối mặt với các thách thức toàn cầu thì có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào.
Đúng vậy, bệnh dịch đang là thách thức toàn cầu nhưng cũng là lăng kính phản ánh sự dịch chuyển gần nhau hơn giữa các quốc gia trước “kẻ thù chung”: Covid-19.
Sophia thân mến!
Một câu chuyện cảm động nhất của Olympic Rio ở Brazil 4 năm trước hẳn bạn còn nhớ. Trong buổi chạy vòng loại nội dung marathon 5.000 mét, Nikki Hamblin (VĐV người New Zealand) và Abbey D'Agostino (VĐV người Mỹ) vô tình vấp vào nhau và ngã nhào xuống đất. Abbey là người đứng dậy trước. Cô tiến tới kêu gọi đối thủ hãy tiếp tục thi đấu. Tuy nhiên chỉ ít phút sau, VĐV người Mỹ bị đau cơ đùi và gần như đã phải bỏ cuộc. Thay vì tiếp tục chạy, Nikki Hamblin đứng lại giúp đỡ và động viên Abbey D'Agostino hoàn thành nốt cuộc đua.
Ở vạch đích, VĐV người New Zealand tiếp tục khiến các CĐV xúc động khi cố nán lại đợi D'Agostino để chúc mừng và giúp đối thủ ngồi lên xe lăn. Nikki Hamblin đã được trao tặng Huy chương Tinh thần thể thao Chân chính Pierre de Coubertin. Đây được coi là danh hiệu cao quý bậc nhất đối với mỗi VĐV dự Olympic.
Sáu năm trước (2015), Mardini cùng em gái trốn khỏi Syria để sang Lebanon rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Đức. Sau đó, cô được tập luyện tại một CLB ở Berlin. Olympic 2016 đã đánh dấu sự ra đời của đoàn thể thao người tị nạn với tổng cộng 10 thành viên. Những ngày này, Mardini vẫn tiếp tục có mặt ở Olympic Tokyo tranh cùng 29 VĐV tị nạn đến từ nhiều quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan... Quả là chiến tích vĩ đại của Olympic. Tinh thần Olympic cao cả là thế đấy!
Sophia biết không? Đoàn TTVN đến với Tokyo năm nay lực lượng hùng hậu hơn với 43 thành viên. Phải thừa nhận những ảnh hưởng do dịch bệnh là rất lớn. Đấy cũng là “tình tiết” để người hâm mộ chia sẻ khi đến giờ phút này, Việt Nam còn quá ít cơ hội để có huy chương.
- Olympic Tokyo 2020: VĐV dương tính với SARS-CoV-2 vẫn có thể thi đấu
- Olympic Tokyo 2020: Phát hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Làng vận động viên
Dù thế, không có nghĩa ngành thể thao không cần tự phản tỉnh để nhận diện mình đang ở đâu. Hơn 4 thập niên qua, kể từ lần đầu tiên góp mặt tại các kỳ Olympic (Moskva, 1980), thể thao Việt Nam đã tham dự 9 kỳ Thế vận hội, nhưng mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Trong khi, chúng tôi luôn Top 3 ở các kỳ SEA Games với vô số HCV các môn ngoài hệ thống Olympic.
Thể thao Việt Nam cần đầu tư trọng điểm như bóng đá đang thực hiện. Đặc biệt, nên giải tán bớt các kỳ cuộc thể thao kiểu phong trào, lấy thành tích, vốn rất tốn kém. Làm được thế thì mới hy vọng thoát được sự kém cỏi.
Những ngày nay, nhìn giải bóng đá chuyên nghiệp đang bế tắc câu chuyện đá hay dừng, cả làng bóng đá thì “than khổ” rất nhiều. Nhưng tôi thấy việc than khổ ấy có gì đó “sai sai”. Bởi, cả nước đang oằn mình chống dịch, ngẫm kỹ bóng đá vẫn còn rất sướng khi luôn được coi là con cưng xã hội. Vậy thì LĐBĐ VN, VPF nên thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong việc chọn giải pháp V-League đá hay dừng cũng như công tác quản lý và điều hành chung. Nhiều người nói đùa, đến quan trọng như EURO và Olympic mà còn xử lý được cơ mà.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Tags