(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Hơn 1 tuần thực hiện “cách ly xã hội” tại Việt Nam đã trôi qua. Rất nhiều chuyện đã xảy ra nhưng có 2 chuyện khiến tôi phải suy nghĩ và viết thư cho cô. Đó là chuyện nhận đồ ở điểm phát quà từ thiện và việc một số người sau mấy ngày giãn cách xã hội ở nhà lại đổ ra đường, đến các nơi công cộng.
Cho đến bây giờ, cuộc chiến chống dịch bệnh vẫn còn đang rất cam go, khó khăn phía trước vẫn còn nhiều. Cho nên lúc này thực sự rất cần mọi người hiểu và biết nương tựa vào nhau để vượt qua.
Nương tựa là nguyên tắc bắt buộc của cuộc sống. Sự thật, trong cuộc sống này không có cái gì tồn tại riêng biệt cả, mọi hiện tượng đều phải nương tựa vào nhau mới có thể tồn tại. Với một cá nhân thì lúc còn nhỏ phải cậy nhờ bố mẹ, anh chị em. Khi lớn lên ra ngoài xã hội thì có bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan... Là công dân của một quốc gia thì những lúc có chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, quê hương bao giờ cũng là “chùm khế ngọt”, là ưu tiên để trở về.
Xem ra trong cuộc sống hàng ngày, chuyện nương tựa vào nhau thì nhiều lắm. Tôi nhớ một nhạc sĩ đã viết trong ca khúc của mình: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ/ Tôi vội vã trở về lấy cho mình/Dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen/ Dù chỉ là chiều sương giăng lối cũ…”.
Sophia thân mến!
Hiện nay, khi mà toàn dân Việt Nam chúng tôi đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công việc bắt buộc phải dừng lại, thì cuộc sống của nhiều gia đình lao động, những người bán vé số, trẻ lang thang cơ nhỡ... khó khăn là chuyện ai cũng biết. Chính vì vậy, Nhà nước cũng đang chuẩn bị gói hỗ trợ “chưa có tiền lệ” với giá trị ước tính hơn 61 ngàn tỷ đồng dành cho khoảng hơn 20 triệu người lao động.
Cùng với đó còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm cũng tiến hành các hoạt động kêu gọi mọi người ủng hộ, đóng góp, lập các điểm phát đồ từ thiện, sáng tạo ra “cây ATM gạo”... Nhưng tại một số điểm phát đồ từ thiện, mặc dù đã có thông báo “Ai cần đến lấy. Nếu khó khăn đến lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” nhưng vẫn gặp phải không ít trường hợp người đi xe tay ga, trang phục sang chảnh, có những dấu hiệu rõ ràng là không thuộc diện “khó khăn” vẫn vào lấy đồ. Tôi cho rằng những trường hợp như thế đang “lạm dụng” cái tốt của nương tựa xã hội, đấy chính là dựa dẫm, ỷ lại, rất đáng phê phán.
Sophia thân mến!
Tuân thủ giãn cách xã hội trong giai đoạn này là cách tốt nhất hạn chế lây nhiễm. Thế mà mới được có hơn 1 tuần, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, người dân đã ra đường khá đông. Đơn cử như tại các điểm dọc theo sông Kim Ngưu, rất đông người đi bộ thể dục hoặc ngồi nghỉ trên ghế đá...
Không nói chắc cô cũng sẽ đoán được là khi mà tất cả mọi người đều phải thu hẹp không gian sống của mình lại, phải ở nhà không ra ngoài thì chuyện bức bối, khó chịu là tất yếu. Nhưng đó cũng là cơ hội cho mỗi người rèn luyện khả năng ứng phó, tính chịu đựng. Trong chuyện này, tôi thấy vấn đề về ý thức cần phải nhắc lại: Ấy là trong số những người đổ ra đường kia, những ai là không có lý do thực sự cần thiết? Trước khi có ý định ra đường, mỗi người hãy tự đặt cho chính mình câu hỏi đó.
Có lẽ chúng ta cần hiểu rằng: “Nương tựa nhau để luôn có ý thức tôn trọng và cần nhau là cấu trúc đẹp đẽ nhất của vũ trụ… Giá trị lớn nhất của đời sống nương tựa chính là cơ hội để giúp ta thấy rõ nguyên tắc tương tác giữa các cá thể, để ta bớt đi cái tôi của mình và làm lớn dậy hạt giống vị tha…” - đấy là những gì tôi đọc được về nương tựa.
Cho nên hành động chuẩn nhất lúc này chính là thực hiện nghiêm túc các quy định về "giãn cách xã hội”. Nói như Bí thư thành ủy Hà Nội là: “Lúc này, yêu thương nhau thì phải giãn cách xã hội. Giãn cách là cách tốt nhất để ngăn chặn dịch".
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Xuân An
Tags