Thư Hàng Châu: Chuyện kể từ những chuyến đi

Thứ Năm, 05/10/2023 06:59 GMT+7

Google News

Ở Quảng Châu 2010, tài xế taxi hầu như không nói tiếng Anh, và chúng tôi cũng không thể nói tiếng Trung, nên để 2 bên có thể hiểu được nhau là vấn đề hoàn toàn không đơn giản.

Câu chuyện tương tự tiếp tục xảy ra ở Côn Sơn, Thường Thục rồi Thường Châu, khi tác nghiệp ở VCK U23 châu Á 2018. Cánh phóng viên Việt Nam từng phải đi bộ hàng km vào buổi đêm trên đường cao tốc ngoại ô toàn xe tải vì bị tài xế taxi thả ở một trạm điện rồi nói đấy là… sân tập của U23 Việt Nam. Bởi thế, chúng tôi đến với Hàng Châu bằng tâm trạng phấp phỏng, vì không biết lần này vấn đề di chuyển có tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh như 2 lần tác nghiệp trước đó hay không.

Ở Hàng Châu không có Grab, Uber hay Gojek, mà chỉ có duy nhất một ứng dụng là Didi được tích hợp trên Alipay. Điểm ưu việt nổi bật của Didi là có thể tìm kiếm và xác nhận hành trình bằng phiên âm tiếng Trung Quốc, nghĩa là bạn không bắt buộc phải sử dụng tiếng Hoa mới có thể đi được đến nơi mình cần. Nhưng không phải phóng viên nào từ Việt Nam cũng có thể sử dụng Didi để di chuyển, bởi tài xế Didi không nhận thanh toán tiền mặt nên bạn phải có tiền ở trong tài khoản Alipay, hoặc là Alipay của bạn kết nối được với thẻ tín dụng quốc tế mà đang sử dụng.

Chưa kể ở một số điểm đến như ga tàu hay sân bay chỉ có taxi mua chỗ từ trước, nên ở những địa điểm này thì bạn không thể sử dụng Didi. Chúng tôi từng gặp phải chuyện này khi từ Ôn Châu trở về Hàng Châu trong đêm và bị tài xế taxi bắt chẹt.

Thư Hàng Châu: Chuyện kể từ những chuyến đi - Ảnh 1.

Một nữ tài xế Didi sử dụng tới 4 điện thoại trên chiếc xe của mình. Ảnh: Hoàng Linh

Sau khi chúng tôi lên xe với sự mệt mỏi tới mức gần như kiệt sức vì vừa trải qua 700km trong ngày bằng tàu cao tốc, tài xế taxi nói rằng vì đường ra khỏi ga tàu bị tắc nên cước phí sẽ cao hơn gấp đôi so với hoá đơn trên đồng hồ. Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi buộc phải gật đầu và chỉ vài giây sau thì phát hiện mình đã bị "mắc câu". Sau khi ra khỏi ga tàu thì chẳng thấy điểm tắc đường nào hết, vì ở thời điểm nửa đêm ấy, trên đường hiếm thấy bóng xe hay bóng người.

Một đồng nghiệp khác từng gặp phải chuyện tương tự khi di chuyển từ trung tâm thành phố tới trung tâm báo chí, và buộc phải chi số tiền gấp đôi cho một lộ trình hoàn toàn không cần thiết. Hoặc một đồng nghiệp khác thậm chí phải trả số tiền cước phí lên tới nhiều triệu đồng do đi tác nghiệp buổi tập của Olympic Việt Nam ở ngoại ô, không có sẵn xe taxi nên buộc phải giữ tài xế taxi ở lại chờ cùng với đồng hồ đếm km được bật lên trong suốt thời gian chờ đợi.

Giống như năm 2010, BTC ASIAD 19 cũng miễn phí đi lại bằng metro và xe bus cho phóng viên có thẻ tác nghiệp, nhưng không phải phóng viên nào cũng có đủ thời gian và điều kiện để sử dụng loại hình giao thông công cộng này, bởi yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải hiểu tiếng Trung, nếu không sẽ rất khó tìm được điểm đến mong muốn, vì lộ trình các tuyến metro còn có tiếng Anh, chứ lộ trình xe bus hoàn toàn là tiếng Trung Quốc nên nguy cơ lạc đường là rất cao.

Vì thế, cuối cùng thì vấn đề di chuyển vẫn cứ là một trong những thách thức lớn nhất với chúng tôi trong thời gian có mặt ở Hàng Châu để tác nghiệp tại ASIAD. 

  

Huy Anh (Từ Hàng Châu, Trung Quốc)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›