Theo một thống kê chưa đầy đủ, có tới hơn 10 cây vợt nữ gốc Trung Quốc tranh tài ở Olympic Paris 2024, nhưng chỉ 2 trong số này thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc, còn đa số khoác áo quốc gia khác.
Phóng viên TTXVN đã có cơ hội ngồi ngay bên cạnh HLV của Beiwen Zhang - VĐV người Mỹ gốc Trung Quốc - khi ông chỉ đạo thi đấu ở trận đấu với Thuỳ Linh. Bản thân HLV này cũng là người Trung Quốc và chúng tôi nhận thấy cả 2 đều dùng tiếng Hoa để nói chuyện với nhau chứ không phải tiếng Anh.
Điều này có nghĩa dường như Mỹ có một chiến lược thực sự để sử dụng những VĐV nhập tịch có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ ở một số môn thể thao mà VĐV Âu Mỹ không thể sử dụng ưu thế về thể hình thể lực như cầu lông hay bóng bàn.
Chúng ta đều thấy chiều cao 1m91 của Fabian Roth đã không giúp được gì cho tay vợt người Đức này trong cuộc đối đầu với VĐV Lê Đức Phát vào ngày 31/7, và Đức Phát chỉ mất hơn 30 phút là có thể vượt qua Roth với chiến thắng 2-0 một cách tương đối dễ dàng.
Đây là câu chuyện hoàn toàn trái ngược so với môn rowing, khi khác biệt về thể trạng giữa VĐV Việt Nam với VĐV Âu Mỹ được thể hiện ngay từ vạch xuất phát, như chia sẻ của VĐV Phạm Thị Huệ với phóng viên TTXVN rằng: "Khi mới chèo ra, tôi biết mình đã bị các đối thủ dẫn trước rồi nhưng vẫn quyết tâm không nản chí.
Tôi biết mình không thể thắng các đối thủ. VĐV như tôi khi tập luyện trong suốt cả quá trình dài về cơ sở vật chất hay sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì không có gì khó khăn cả. Nhưng có thực tế là thể trạng con người Việt Nam mình nhỏ bé khi thi đấu, về thể hình, chiều cao, cân nặng đã thua họ từ đầu".
Từ câu chuyện của Beiwen Zhang, Fabian Roth, Phạm Thị Huệ, Lê Đức Phát và Nguyễn Thuỳ Linh thì có thể thấy rằng thể thao cũng như xã hội, luôn có đầy đủ mọi khía cạnh, góc độ, và bản thân một quốc gia được coi là có nền thể thao hùng mạnh nhất hành tinh như Mỹ cũng vẫn phải sử dụng chiến lược nhập tịch VĐV.
Ở Olympic Paris 2024 không thiếu trường hợp như Beiwen Zhang, khi những VĐV gốc Á hoặc gốc Phi đầu quân cho đội tuyển quốc gia của các nước phát triển, với vô vàn lý do khác nhau, như việc họ không cạnh tranh được với đồng đội ở quốc gia mẹ đẻ nên tìm kiếm phương hướng phát triển sự nghiệp khác. Hoặc đơn giản hơn là họ được chào mời bằng chế độ đãi ngộ hấp dẫn để cống hiến cho màu cờ sắc áo mới, có thể liên quan hoặc chẳng hề liên quan tới nguồn gốc chủng tộc hoặc quốc tịch của họ.
Có thể lấy ví dụ từ trường hợp của Christa Deguchi, VĐV có mẹ là người Nhật Bản và bố là người Canada vừa giúp Canada lần đầu tiên có HCV judo Olympic ở hạng cân -57kg. Deguchi không phải là lựa chọn số một của đội tuyển judo Nhật Bản, vì ở đó có những tài năng nổi bật hơn cô, nhưng khi chuyển sang khoác áo đội tuyển Canada, Deguchi thậm chí còn đạt được thành tích xuất sắc hơn cả một số đồng đội cũ từng xếp trên cô ở đội tuyển Nhật Bản.
Từ đây có thể nhận ra ít nhất 2 hướng đi cho thể thao Việt Nam trong tương lai gần nếu như muốn tiếp tục tấn công vào đấu trường Olympic. Theo đó, một mặt chúng ta phải kiên định đầu tư vào những môn thể thao Olympic phù hợp với thể trạng của con người Việt Nam như cầu lông, bắn súng, và làm sao cần phải có thêm thật nhiều những Thuỳ Linh, Đức Phát (cầu lông) hay Trịnh Thu Vinh (bắn súng).
Mặt khác chúng ta cũng cần phải có cơ chế và giải pháp phù hợp để thu hút những tài năng thể thao Việt kiều ở khắp thế giới, nhất là từ các quốc gia có ưu thế đặc biệt ở một số môn thể thao như Nhật Bản (judo, karate), Hàn Quốc (taekwondo), Trung Quốc (cầu lông, bóng bàn), Mỹ (bóng rổ)…
Ở SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia vào năm ngoái, cặp VĐV song sinh người Mỹ gốc Việt là Trương Thảo My và Trương Thảo Vy đã góp công lớn để giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên có được HCV bóng rổ ở nội dung 3vs3. Đây là một gợi ý quan trọng cho hướng đi sắp tới của thể thao Việt Nam ở những sân chơi tầm cỡ thế giới hoặc châu lục như Olympic hay Asian Games.
Tags