Thu phí sao chép tác phẩm: 'gần bờ' thì dễ, 'xa bờ' thì khó

Thứ Năm, 17/04/2014 09:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao việc thu phí bản quyền cho hình thức sao chụp bằng máy photocopy (với sách giấy) hay bằng công nghệ (với tác phẩm trên không gian mạng) gần như vẫn... dẫm chân tại chỗ - cho dù đã được bàn tới từ 5-7 năm nay?

Một lần nữa, vấn đề ấy lại được xới lại trong hội thảo "Nâng cao hiệu quả của quản lý tập thể quyền tác giả trong kỷ nguyên số hóa" (Hà Nội, 15/4) với lời khẳng định của người trong cuộc: Nạn sao chép bất hợp pháp tại Việt Nam đã lên tới mức báo động.

8.000 đồng/ học sinh/năm?

VIETRRO (Hiệp hội quyền sao chép VN) - đơn vị tổ chức hội thảo trên - đã thống kê cho thấy: kể từ lần tổ chức đầu tiên cách đây... 11 năm, những cuộc hội thảo tương tự vẫn liên tục được tổ chức hàng năm, nhằm kêu gọi ý thức “dùng gì, trả tiền đấy” của người tiêu dùng Việt Nam.

Đơn cử, chỉ với hàng ngàn đầu sách chuyên môn, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa... được sao chụp bằng máy photocopy hàng ngày tại các cơ sở giáo dục, những cá nhân và tổ chức đang nắm giữ bản quyền cũng đã chịu một thiệt thòi không nhỏ. (Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ chỉ miễn trừ phí bản quyền cho những đối tượng photo vào mục đích giảng dạy, nghiên cứu cá nhân). Và đó là lý do để ngay từ cách đây 6 năm, bà Đoàn Thị Lam Luyến (Tổng thư ký VIETRRO hiện nay) đã đưa ra đề xuất: những chủ sở hữu máy photocopy phải trả một khoản phí bản quyền theo số máy hiện có.  

Theo bà Luyến, thời gian qua, VIETRRO đã có buổi làm việc sơ bộ với Thứ trưởng Bộ GDĐT về vấn đề sao chép tài liệu của học sinh, sinh viên. Và theo dự kiến, nhiều buổi làm việc tiếp theo sẽ được tổ chức trong năm 2014, với cái đích là một sự hợp tác để làm vừa lòng cả 2 phía. Thống kê cho thấy hiện VN có khoảng 20 triệu người đang sử dụng sản phẩm từ máy photocopy hàng năm, trong đó 3/4 thuộc lĩnh vực giáo dục.

"Tất nhiên chúng tôi không thể  tùy ý đưa ra mức phí mà phải có căn cứ cụ thể. Chẳng hạn, Nghị định 61 về nhuận bút quy định mức phí trong những trường hợp sử dụng thứ cấp khoảng 40 đồng/trang" - bà Luyến nói. "Trung bình một học sinh, sinh viên photo khoảng 200 trang tài liệu một năm, nên VIETRRO có thể đề nghị thu mỗi em khoảng 8.000 đồng/năm. Tôi nghĩ đó là mức phí không quá lớn".

"Đánh bắt gần bờ" và "đánh bắt xa bờ"

Nhưng chuyện xâm phạm quyền sao chép theo hình thức photocopy đã  phần nào trở nên... lạc hậu với công nghệ hiện đại. Cụ thể, từ vài năm qua, hàng loạt cá nhân và tổ chức (trong đó có nhiều tờ báo) đang liên tục bức xúc về một thực tế: tác phẩm của họ thường xuyên bị copy một cách rất trắng trợn trong không gian mạng.

"Chuyên gia quốc tế vẫn nói vui: quản lý quyền sao chép qua hệ thống máy photocopy là đánh bắt gần bờ, còn trong không gian mạng là đánh bắt xa bờ" - bà Lam Luyến nói. "Xa bờ thì cá lớn, nguồn lợi cao, nhưng đòi hỏi về chất xám và phương tiện cũng... lớn không kém".

Cũng cần nói thêm, theo IFRRO (Liên đoàn các tổ chức quyền sao chép thế giới) tại các nước phát triển, nguồn thu về quyền tác giả luôn chiếm từ 6 - 8%  tổng thu nhập hàng năm và đã thật sự trở thành một ngành "công nghiệp không khói" thu hút nhiều chất xám. Rất nhiều biện pháp khai thác và quản lý bản quyền số tại các nước này đã được giới thiệu tại hội thảo, nhưng xem ra đều... khó áp dụng trong bối cảnh VN.

"Đây đúng là vấn đề nan giải" - bà Luyến thừa nhận. Trên thị trường số của VN có tới hàng trăm trang web, nhưng số trang web sẵn sàng chịu trả tiền bản quyền lại đếm được trên đầu ngón tay. Bởi, hệ thống pháp lý VN hiện tại chưa tạo điều kiện cho chủ sở hữu được bảo vệ quyền lợi của mình".

Là cơ quan về bản quyền và không có chức năng xử phạt, VIETTRO cũng chỉ còn biết lên tiếng đề nghị ngành chức năng sớm hạn chế và đóng cửa những trang web chuyên "xào nấu" thông tin từ các đơn vị sở hữu khác để kinh doanh. "Với những gì đang diễn ra, việc quản lý quyền tác giả không còn là chuyện của từng cá nhân mà cần được nhìn nhận như một vấn đề kinh tế có vai trò quan trọng trong xã hội" - ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch VIETRRO, nhận xét.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›