Sophia thân mến! Ngày Halloween đã qua rồi và giờ đây mọi người rục rịch chuẩn bị Giáng sinh, rồi thì Tết "Tây" Tết "ta".
Sophia thấy đó, con người lắm lễ hội để vui chơi, để tận hưởng và để tưởng nhớ, lo toan chuẩn bị. Một lễ hội, một kỳ nghỉ sẽ trôi qua, và chúng tôi phải chóng quên nó đi để tiếp tục dự phần vào những lễ hội mới.
Nhưng có lẽ với nhiều người, Halloween năm nay là một ký ức không thể quên. Nhất là người dân Hàn Quốc, khi mà thảm kịch giẫm đạp ở quận Itaewon thuộc thành phố Seoul đã làm hơn 150 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Đó là chưa tính đến những sang chấn tâm lý kéo dãi chắc chắn sẽ có ở những nạn nhân may mắn sống sót sau thảm họa.
Sau thảm kịch ở Itaewon, những lời xin lỗi đã được thốt ra, những cuộc điều tra đã được tiến hành. Nhưng những mất mát về con người thì không thể nào vãn hồi được.
Đa phần những nạn nhân trong thảm kịch này đều còn trẻ, đang ở độ tuổi mang nhiều ước mơ và dự định của đời người. Họ đến vui chơi, tham gia lễ hội bình thường như mọi năm qua bao nhiêu người đã tham dự mà không biết rằng đây là lần cuối cùng…
Có lẽ giờ này, gia đình, người thân của các nạn nhân vẫn còn chưa nguôi ngoai vì nỗi đau. Và dù cách nhau về mặt địa lý, nhưng nhiều người Việt chúng tôi đồng cảm, chia sẻ nỗi đau đó. Nhất là khi một đồng bào của chúng tôi cũng mất trong thảm kịch này.
Vậy mà khi lướt qua những bình luận dưới các tin tức về thảm kịch ở Itaewon, không ít người đổ lỗi cho nạn nhân một cách hàm hồ như trách nạn nhân ham vui, thấy đám đông mà còn tụ tập, phải chi ở nhà là yên chuyện… Những bình luận kiểu ấy, nói xin lỗi Sophia, còn vô cảm hơn robot.
Không phải riêng ở sự kiện Halloween lần này, mà trong các sự kiện diễn ra trước đây, luôn có một bộ phận người dùng mạng xã hội ở Việt Nam có suy nghĩ và bình luận theo hướng đổ lỗi cho nạn nhận như kiểu "không có lửa làm sao có khói".
Riêng với thảm kịch ở Itaewon, đổ lỗi cho các nạn nhân đã mất chẳng khác góp một mũi dao giết họ lần nữa.
Chắc Sophia biết thuật ngữ "survivor's guilt" chỉ cảm giác tội lỗi của những người sống sót sau một thảm kịch. Đối với những người đang phải "survivor's guilt" thì việc thoát nạn đôi khi không phải là niềm vui mà là sự dằn vặt vì họ đã sống trong khi nhiều người phải chết trong thảm kịch, ngay trước mắt họ, mà họ không thể cứu được. Không hiếm trường hợp đã chọn tự tử vì mặc cảm sống sót này.
Những bình luận đổ lỗi cho nạn nhân, nhiều khi "người nói vô tình người nghe hữu ý", có thể đẩy nạn nhân lún sâu vào trầm cảm.
Sau mỗi thảm kịch, chúng ta cần xem xét trách nhiệm, rút ra bài học để những thảm kịch tương tự không bao giờ diễn ra trong tương lai. Ở thảm kịch xảy ra ở Itaewon, bài học xương máu là công tác tổ chức sự kiện, nhất là những sự kiện đám đông và đó không chỉ là bài học với riêng Hàn Quốc mà còn là bài học của mọi quốc gia. Và ngừng đổ lỗi cho nạn nhân, đừng để họ chết 2 lần.
Sophia thấy đó, mạng xã hội là một nơi trú ẩn an toàn nơi người ta dễ tưởng rằng có thể ném viên đá của mình vào đám đông thì không làm ai tổn thương. Nhưng chính những lời đổ lỗi cho nạn nhân đã góp phần cản trở tiếng nói yếu ớt của nạn nhân đòi lại công bằng và vô tình cổ súy cho điều sai trai tiếp tục hoành hành.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
Tags