Thư SEA Games: Nhập tịch hay chuyện bản thể Việt Nam

Thứ Ba, 16/05/2023 05:38 GMT+7

Google News

Một đồng nghiệp hỏi chúng tôi khi đi ngang qua những vận động viên cao lớn với đôi mắt xanh thẳm và mái tóc màu vàng mềm mượt của nước chủ nhà Campuchia ở nhà thi đấu Chroy Changvar những ngày SEA Games 32 diễn ra sôi nổi cảm giác như thế nào?

 Có thể, đó là một câu hỏi vui nhưng thú thực là trước hết họ rất xinh đẹp và tài giỏi nhưng ngoại trừ dáng vẻ bên ngoài có nhiều khác biệt so với chủng tộc người ở khu vực thì chúng tôi không có bất cứ ấn tượng nào về điều nào khác nữa vì đơn giản là chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và không bị giới hạn bởi bất kì lý do nào.

Và những điều như vậy dường như đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới mà không chỉ xảy ra ở riêng các giải đấu thể thao khu vực hoặc cá biệt tại SEA Games 32. Nếu là một người yêu bóng đá hơn tất thảy, hẳn các cổ động viên đều nhớ rằng, nhập tịch cầu thủ đã là một nguồn lực quan trọng cho các đội tuyển quốc gia ở các nước châu Âu.

Làn sóng nhập tịch lan toả với mức độ lớn và liên tục ở khu vực Đông Nam Á có thể tạo ra một sự biến đổi về chất lượng cạnh tranh và nâng cao thành tích của các vận động viên và thực tế Campuchia cũng chỉ lặp lại những điều mà ngay cả một nền thể thao rất mạnh trong khu vực như Thái Lan cũng đã làm nhiều lần trong quá khứ với các vận động viên nhập tịch từ khắp nơi trên thế giới.

Với nhiều người, đó là chiến lược đón đầu thành công trong lần đầu tiên tổ chức SEA Games của nước chủ nhà nhưng khi bạn nhìn ở một góc độ của sự cởi mở và dung nạp thì tất cả chúng ta đều có quyền mong muốn đạt được những thành tựu ở khía cạnh thể thao. Đoàn thể thao Việt Nam chúng ta cũng có những vận động viên gốc Việt thi đấu dưới màu đỏ của lá cờ Tổ quốc và đóng góp không nhỏ cho thành công nước nhà.

Nhưng cuối cùng thì điều quan trọng nhất không phải là chiến thắng theo cách nào mà vinh quang đấy được cảm nhận như thế nào trong sâu thẳm những vận động viên nhập tịch không chỉ của riêng Campuchia.

Thư SEA Games: Nhập tịch hay chuyện bản thể Việt Nam - Ảnh 1.

Những VĐV Việt kiều góp phần không nhỏ trong việc đem tấm HCV lịch sử ở nội dung bóng rổ 3x3 nữ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. ẢNH: Hoàng Linh

Những người dân bản xứ có lẽ hạnh phúc với một tấm huy chương Vàng mà những người gốc Âu, Mỹ hay Phi cao lớn kia mang lại nhưng với họ đó chỉ là một phần công việc cần thực hiện, vì họ là những người chuyên nghiệp trong nghề nghiệp của mình, họ muốn chinh phục những thách thức và hạnh phúc vì đạt được điều đó với tư cách của một nhà thể thao chân chính.

Ngày hôm qua, ở sàn thi đấu Judo Chroy Changvar, sau khi đánh bại võ sĩ nhập tịch Yanagiha (Nhật Bản) của nước chủ nhà Campuchia ở hạng cân Nguyễn Thị Thanh Thuỷ ở hạng cân 52 kg của nữ, nữ võ sĩ nhỏ bé người Việt Nam đã nói về sức mạnh nội tại để giành huy chương Vàng chính là gia đình và vì dòng máu chảy trong người thôi thúc cô vượt qua mọi thách thức.

Gia đình đã theo từng bước chân của Thuỷ và người em trai cũng giành huy chương Vàng Judo ở kì SEA Games 32 này, đó chính là sự khác biệt của các vận động viên Việt Nam với những đối thủ nhập tịch đến từ các nước trong khu vực, bởi chúng ta có chung một cảm xúc, chung một niềm vui hay cùng chia sẻ những nỗi buồn.

Ngày hôm trước, trong buổi họp mặt phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 32, ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam đã nói lên điều mà tất cả chúng ta cùng có chung suy nghĩ  đó chính là luôn chào đón và tạo điều kiện cho các vận động viên Việt kiều nhưng sẽ không nhập tịch các vận động viên không có dòng máu Việt Nam.

Xã hội Việt Nam nói chung và thể thao nói riêng được kết cấu chặt chẽ bởi nền tảng gia đình, từ những con người chung một dòng máu và điều đó đã giúp chúng ta trở nên đồng nhất. Chúng ta biết mình đến từ đâu và hi sinh cho điều gì để đạt được những thành công lớn lao. 

 

Trần Dũng (Từ PhnomPenh)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›