Hiện nay, ung thư đang là 1 trong 10 nguyên nhân gây bệnh hàng đầu tại Việt Nam. Ung thư cũng đang trở thành gánh nặng bệnh tật của cả nước.
Ngày 27- 28/4/2023, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị phòng chống ung thư thành phố Đà Nẵng lần V năm 2023. Hội nghị do Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở phòng chống ung thư khác tổ chức. Tham dự Hội nghị có GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; BSCKII Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng; PGS-TS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam…
BSCKII Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng nhận định trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư quốc tế (GLOBOCAN), tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng.
Theo thống kê của GLOBOCAN, năm 2020, Việt Nam là một trong những nước thuộc nhóm có tỉ lệ mắc ung thư cao (97,3 - 111,9/100.000 dân). Theo Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 120.000 ca ung thư mới được phát hiện và hơn 75.000 bệnh nhân qua đời vì căn bệnh này.
Tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), trong đó tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018. Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư.
Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật.
Mặc dù Y học đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chữa trị ung thư, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, số ca ung thư tại Việt Nam và trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng. Thực trạng này cho thấy cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư vẫn còn dài và đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Không những số lượng người bệnh ung thư gia tăng mà chi phí điều trị bệnh ung thư cũng liên tục tăng. Do đó, ung thư hiện đang được coi là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Chi phí điều trị ung thư tăng cao
Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cứ sau 10 năm, chi phí điều trị bệnh ung thư tăng 1,5 – 2 lần, vì người bệnh được tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán và điều trị mới tiên tiến hơn; áp dụng các xét nghiệm hiện đại; phẫu thuật cập nhật kỹ thuật mới, hóa trị cũng sử dụng những loại thuốc mới để đạt hiệu quả tốt hơn. Chính vì vậy, chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư ngày càng tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đây là nạn dịch của tương lai đã xảy ra trong hiện tại.
Với các chủ đề "Tiêu hóa - phổi - vú - phụ khoa – tiết niệu – huyết học, xạ trị, y học hạt nhân, giải phẫu bệnh, sinh học phân tử, điều dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ", Hội nghị nhằm phản ánh bức tranh phòng, chống ung thư hiện nay không những ở Việt Nam mà còn ở những nước phát triển như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
BSCKII Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng đã đánh giá cao những thành tựu đạt được của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trong công tác khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
Tại hội nghị, GS Wolfgang Janni đến từ Đức đã báo cáo về Vai trò của thuốc ức chế CDK4/6 trong điều trị bệnh nhân ung thư vú tiền mãn kinh di căn tiến xa, BS. Peter Christopher Why Lim đến từ Trường y khoa của Đại học Nevada của Mỹ đã trình bày báo cáo về hiệu quả điều trị của các thuốc mới cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong Ung thư cổ tử cung, những loại ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ.
"Hy vọng rằng qua hội nghị này, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có được những định hướng điều trị mới, những hướng nghiên cứu phù hợp, những thông tin mới, những sự hợp tác mới trong khám chữa bệnh ung thư. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ung thư lên một tầm cao mới, phục vụ tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc ung thư – một bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong cao" - BS Thủy cho hay.
Tags