Thư Trường Sa: Xúc động giây phút thả thơ tưởng niệm các liệt sỹ Trường Sa

Thứ Bảy, 24/05/2014 09:13 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Trong hành trình đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK, trên đường tới đảo Cô Lin, hơn 200 cán bộ đoàn công tác số 9/2014 có mặt trên tàu HQ 571 đã chứng kiến Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

1. Lễ tưởng niệm diễn ra trong không khí nghiêm trang, xúc động. Trong diễn văn tưởng niệm, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, nhấn mạnh: “Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Trong khói hương thành kính, trong tiếng nhạc Hồn tử sỹ trầm hùng, những người con đất Việt đã trở thành bất tử, vùng biển đảo của quê hương sẽ mãi nhắc đến hình ảnh mẫu mực, bình tĩnh, dũng cảm, hiên ngang, chấp nhận hy sinh: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc” của các anh. Đa phần chiến sỹ hy sinh lúc đó đều đang ở độ tuổi 20, tuổi đẹp nhất của cuộc đời một con người...


Đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan quay cảnh Lễ tưởng niệm. Ảnh: Quang Thắng

Dù không một ngôi mộ, nhưng vùng biển này đã trở thành nghĩa trang đặc biệt. Các chiến sỹ và ngư dân vẫn gọi đây là nghĩa trang đỏ. Đây là nơi mà tất cả các đoàn công tác từ đất liền, các tàu Hải quân, tàu Kiểm ngư, tàu cá của ngư dân mỗi khi đi qua vùng biển này đều hú 3 hồi còi, làm lễ thả hương, hoa tưởng niệm.

“Mặc dù nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ hải quân đã cố gắng làm hết sức mình, song lòng biển thì sâu, rộng, mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu....” - giọng của vị tướng Hải quân trầm lại, nhiều đại biểu của đoàn công tác đã không cầm được nước mắt. Trời đang nắng gắt cũng có những hạt mưa...

Vòng hoa, ban thờ, những bông cúc vàng lần lượt được thả xuống biển khơi. Trên sóng biển xanh trập trùng, những bông cúc vàng nổi bồng bềnh đưa thương nhớ trôi nhanh về phía những ngôi mộ sóng...

Thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, tôi lại nhớ đến tấm bia đá được dựng trang trọng trên đảo ngay trước sân chùa trên đảo Sinh Tồn. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, để lại phía sau là niềm tự hào, song cũng là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ...


Vòng hoa, ban thờ lần lượt được thả xuống biển để tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Thắng

2. Xúc động nhất, trong Lễ tưởng niệm này khi bài thơ của một người mẹ Quảng Nam gửi con trai đã hy sinh được thả xuống biển. Bài thơ do anh trai của anh viết, kể về gia đình, về mẹ, về ngôi nhà thân thương gửi em mình... Tiếc rằng, bài thơ chưa kịp gửi đi thì nhận tin em đã hy sinh.

26 năm qua, người mẹ Quảng Nam đã lưu giữ bài thơ ấy, để rồi khi biết PV VTV6 – Đài THVN ra thăm Trường Sa, mẹ đã gửi theo bài thơ này để “tặng” con trai với niềm thương nhớ ngày đêm không sao khỏa lấp đầy...

“Thế là mẹ đã toại nguyện. Mong sao vùng biển trời các anh đã ngã xuống mãi mãi được bình yên” – Thu Yến, PV VTV6, lặng đi nói với tôi chiều hôm ấy, sau khi ở đảo Cô Lin về...

Còn đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan - Trung tâm phim tài liệu và phóng sự Đài THVN, lần thứ 2 trở lại Trường Sa và chứng kiến lễ thả hoa - lên boong tàu kể rằng: “Trong lễ tưởng niệm chiều nay có những người lính già đầu bạc đã khóc, khiến anh liên tưởng đến một câu thơ bất hủ thời Trần: “Người lính già đầu bạc kể mãi chuyện Nguyên phong. Người lính già trong câu thơ ấy mãi kể về chiến công chiến thắng giặc Nguyên với một niềm tự hào dân tộc. Giờ đây, người cựu binh già đã chảy nước mắt. Ông khóc vì con cháu bây giờ giỏi quá, bình tĩnh, tự tin quá. Và ông khóc vì mong một thế giới luôn hòa bình để con cháu họ không phải vạ chiến chinh”.

Cảm xúc lại ấp đến, ngay đêm ấy, trên đài Truyền thanh tàu HQ 571, bài thơ Những vì sao mãi mãi tuổi 20 của đạo diễn Nghiêm Nhan vang lên: “Ôi! Những linh hồn chiến sỹ hóa thành những vì sao trên bầu trời Tổ quốc. Những vì sao mãi mãi tuổi hai mươi”.

Đạo diễn Nghiêm Nhan xúc động: “Suốt hải trình lênh đênh trên biển Đông, quanh quần đảo Trường Sa, tôi thường hay lên boong tàu ngắm sao. Khi có cảm xúc thật và chân thành thì thi ca thường đến với tôi. Với tôi đó là những nén tâm nhang kính dâng tưởng nhớ các anh linh liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Những vì sao mãi mãi tuổi hai mươi

(Tưởng nhớ hương hồn các liệt sỹ Trường Sa)

Mãi tuổi hai mươi, các anh ra đi rất trẻ
Hồn mãi xanh, biển hát ru chiều
Sóng nhè nhẹ để các anh yên nghỉ
Còi tàu hú dài đưa tiễn linh hồn đi

Thả những cánh hoa xuôi theo dòng nước
Sóng yêu thương đón nhận vỗ về
Ở chân mây hay lưng chừng sóng
Đội ngũ chỉnh tề im lặng đón nghe

Thả vào sóng giọng hò, điệu lý
Gửi khúc dân ca quan họ quê mình
Một lời nhắn từ quê hương yêu dấu
“ … Các con ơi! Mẹ thương nhớ Trường Sa …! ”

Sóng nô dỡn như các anh vùng vẫy
Như đùa vui con sông nhỏ quê nhà
Những linh hồn ra đi rất trẻ
Mãi hồn nhiên trên sóng nước Trường Sa

Thả …, thả … nữa bông cúc vàng trên sóng
Biển ru anh khúc hát chiều tà
Ngân nga mãi tuổi hai mươi huyền thoại
Rời biển sâu thành những vì sao xa

Có những đêm sao xanh nhấp nháy
Như nhớ người yêu ở chốn quê nhà
Và có đêm sao mong đỏ mắt
Một dáng mẹ hiền tần tảo cuối trời xa

Linh hồn hóa thành những vì tinh tú
Những ngôi sao trẻ của bầu trời
Là sao Hôm, sao Mai buổi sớm
Ban ngày về trú ngụ chốn biển khơi

Những vì sao mãi mãi tuổi hai mươi…

Trường Sa, 5/2014
Nguyễn Nghiêm Nhan

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›