(Thethaovanhoa.vn) - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 3/11, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 10 với nội dung trọng tâm là đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2018, thống nhất những biện pháp triển khai trong những tháng cuối năm nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm 2018 mà Quốc hội giao.
- Chính phủ sẽ quy định cụ thể vấn đề từ chức
- Họp báo Chính phủ tháng 9: Hà Nội sẽ xử lý nghiêm vụ bảo kê ở chợ Long Biên
- Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: GDP tăng cao nhất kể từ năm 2011
Trước khi khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Quyết định của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Trước đó, ngày 25/7, Thủ tướng ký Quyết định 900/QĐ-TTg giao quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đối với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Thôi thúc Chính phủ hành động tốt hơn
Phát biểu mở đầu Phiên họp, đánh giá chất lượng trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có sự cố gắng lớn của các bộ trưởng, trưởng ngành để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, cử tri và quốc dân đồng bào.
Đề cập đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Thủ tướng nêu rõ: Kết quả lấy phiếu dù là thấp hay cao đều thôi thúc Chính phủ hành động tốt hơn, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội theo hướng phát huy ưu điểm, nhanh chóng khắc phục khuyết điểm, tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Người thấp, người cao cũng là điều bình thường nhưng quan trọng là 5 ngón tay trên một bàn tay đã chụm lại, đoàn kết phát triển đất nước trong bối cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp”, Thủ tướng mong muốn quốc dân, đồng bào thông cảm và khẳng định các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục phấn đấu tốt hơn vì trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; đồng thời, yêu cầu các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội trong việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2019 trình Quốc hội thông qua, sao cho đạt chất lượng cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Về tinh thần của văn kiện quan trọng này, Thủ tướng cho rằng, “cái gốc của vấn đề là chúng ta phải thấy được từng hành động cụ thể của mình” để từ đó ra sức khắc phục khuyết điểm, tồn tại, hạn chế.
Nâng cao vị thế quốc gia
Đề cập đến tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong bối cảnh thế giới diễn biến hết sức phức tạp nhưng các nước, tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao vị thế, thành tựu và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam mở rộng, tìm kiếm những thị trường rộng lớn hơn, Thủ tướng nói.
Đánh giá kết quả cụ thể, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI bình quân 10 tháng ở mức 3,6%; tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định. “Quốc hội và nhân dân đánh giá cao thành tựu kinh tế vĩ mô này. Đây là nền tảng quan trọng của năm 2018 và đặc biệt là những năm tiếp theo trong phát triển kinh tế. Xuất khẩu tăng mạnh tương đương mức tăng cả năm 2017 với khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 14%. Xuất siêu đã đạt đến 6,4 tỷ USD. Đây là cố gắng lớn của các ngành nhất là nông nghiệp và một số mặt hàng có thế mạnh", Thủ tướng nhìn nhận
Cùng với đó là các nguồn vốn đầu tư tiếp tục tăng. Cả nước có gần 110 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới, tiến đến mục tiêu phấn đấu 130 ngàn doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 sẽ tiếp tục được thực hiện. Nông nghiệp phát triển tốt, tiến trình cơ cấu nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả. Sản lượng thủy sản, tổng cầu tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,4%. Du lịch có nhiều tiến bộ, lượng khách du lịch quốc tế tăng 22,4%.
Phải trăn trở để nâng cao từng chỉ tiêu
Phân tích các tồn tại của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang bị tụt hạng. “Rõ ràng đổi mới sáng tạo, năng lực sáng tạo nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng của nước ta còn thấp. Đây là khâu chúng ta phải dồn sức chỉ đạo trong thời gian tới”, Thủ tướng phân tích và yêu cầu các bộ, ngành nâng cao “tính sẵn sàng” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và có giải pháp cụ thể, nếu không sẽ rơi vào tình trạng tụt hậu.
“Các đồng chí phải đi vào từng việc cụ thể, trăn trở, phải làm việc như thế nào để nâng từng chỉ tiêu, tiêu chí, nhóm chỉ tiêu của bộ, ngành mình phụ trách”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, tình trạng giá nông sản thấp, nhất là cây công nghiệp cũng là vấn đề cần khắc phục, xử lý. Vấn đề dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn ra gần với biên giới Việt Nam, cần có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Phân tích các chỉ số tăng trưởng, Thủ tướng lưu ý Thành phố phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn cần quyết liệt hơn nữa, phát triển sản xuất kinh doanh không để rơi vào tình trạng tụt giảm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo tăng cường đấu tranh phòng chống, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Trăn trở trước tình trạng trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai những biện pháp mạnh mẽ trong việc đấu tranh với nạn xã hội đen, bảo kê, lập lại an ninh trật tự trong những tháng cuối năm.
Phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày 3/11.
TTXVN/Quang Vũ
Tags