Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; các nhà khoa học.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau.
Đặc biệt, đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các nhà khoa học cũng thảo luận, tìm câu giải đáp trước thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa khoa học, công nghệ vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học, công nghệ.
Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ những kinh nghiệm phát triển khoa học, công nghệ tại các nước; đồng thời đề xuất một số giải pháp về tổ chức trung gian, môi giới, kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa khoa học, công nghệ; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học, công nghệ hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế; về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường khoa học, công nghệ phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến phát biểu tại hội nghị; cho rằng, đây là một hội nghị rất quan trọng, tiếp nối các hội nghị về các thị trường vốn, bất động sản và lao động đã được tổ chức thành công trong thời gian gần đây; hy vọng sau hội nghị này, thị trường khoa học, công nghệ cũng có bước chuyển biến mới, phát triển tích cực, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận...”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hóa của nhân dân”.
Đảng ta luôn xác định, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, một trong 3 đột phá chiến lược. Đây là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
“Thị trường khoa học, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để phát triển khoa học, công nghệ nói chung và thị trường khoa học, công nghệ nói riêng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp, ngành; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; sự tham gia, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học, bạn bè quốc tế, thị trường khoa học, công nghệ Việt Nam đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa khoa học, công nghệ tăng đáng kể. Tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hóa khoa học, công nghệ trên thị trường bình quân hàng năm đạt 22%. Kết quả nghiên cứu của các viện, trường, nhà khoa học trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp, thị trường đón nhận.
Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng và được cải thiện. Các đầu mối trung gian thị trường khoa học, công nghệ từng bước được hình thành với hơn 800 tổ chức, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động. Công tác xúc tiến thị trường khoa học, công nghệ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển, một số nước trong khu vực, thị trường khoa học, công nghệ còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất.
Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc.
Bên cạnh đó, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học còn hạn chế, làm khan hiếm nguồn cung hàng hóa khoa học, công nghệ trên thị trường. Việc giao dịch mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư. Việc chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế.
Các tổ chức trung gian về chuyển đổi công nghệ còn yếu về năng lực; chưa đủ uy tín và chưa có thương hiệu để thúc đẩy giao dịch công nghệ; chưa có các tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng; chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học, công nghệ còn yếu kém, lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia. Cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số về thị trường khoa học, công nghệ chưa được đầu tư phát triển ngang tầm.
“Nguyên nhân của những hạn chế do nhận thức của các cấp, ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường khoa học, công nghệ trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ, toàn diện. Còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, các tổ chức khoa học, công nghệ chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như một phương thức biến tri thức khoa học thành hàng hóa, sức sản xuất hiện thực của xã hội.
Các tổ chức trung gian thị trường khoa học, công nghệ chưa được quan tâm và đầu tư phù hợp; việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chưa được chú trọng. Việc liên kết thị trường khoa học, công nghệ Việt Nam với thị trường quốc tế chưa được quan tâm đúng mức; chưa phát huy tiềm năng “chất xám” và quan hệ của đội ngũ các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đang tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hướng tới sở hữu những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”; “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, thị trường khoa học, công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển thị trường khoa học, công nghệ phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm, dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Phát triển của thị trường khoa học, công nghệ cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.
Phát triển thị trường khoa học, công nghệ cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở phân tích kết quả, hạn chế, nguyên nhân, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường khoa học, công nghệ trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về thị trường khoa học, công nghệ; tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học, công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường khoa học, công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường khoa học, công nghệ quốc gia đến năm 2030.
Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học, công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, hợp tác công tư, tư nhân vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
- Nghiên cứu ở bậc đại học càng sớm càng tốt, Vì sao và Như thế nào?
- Nghiên cứu mới khám phá những thách thức về điện toán biên
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ
"Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học, công nghệ và hệ sinh thái thị trường khoa học, công nghệ ở tất cả cấp, ngành đồng bộ và toàn diện hơn nữa", Thủ tướng yêu cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phát triển khoa học, công nghệ nói chung và phát triển thị trường khoa học, công nghệ nói riêng.
Các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua hệ thống, mạng lưới của mình, cần tham gia thiết thực, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xanh cho các tổ chức, cá nhân trong nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào trong, ngoài nước; sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thị trường khoa học, công nghệ nói riêng và nền khoa học, công nghệ nói chung của nước ta sẽ có những bước phát triển mới, thiết thực, hiệu quả hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phạm Tiếp/TTXVN
Tags