Nhà xuất bản Kim Đồng vừa kỷ niệm 65 năm thành lập (1957 - 2022). Nhân dịp này, NXB đã “cắm một bình hoa thơ”, bằng việc ra mắt 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi, do Cao Xuân Sơn tuyển chọn.
65 bài thơ là 65 bức tranh thơ, liên hoàn 130 trang sách bìa cứng. Trong các tranh ấy, kênh hình ảnh - ngôn ngữ hội họa có diện tích gấp nhiều lần kênh chữ. Hình và chữ cùng nhau giúp bạn đọc tuổi thơ nhận ra tầm vóc của thơ ca Việt Nam.
Hình tượng đẹp của đứa bé Việt Nam
Đó là tầm vóc thần thoại của em bé nông dân vùng văn minh lúa nước, chưa đủ sức mò cua bắt ốc với mẹ thì giúp mẹ bằng phép thần thi ca, vươn vai Phù Đổng chở che: “Hôm qua trời nắng như nung/ Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày/ Ước gì em hóa đám mây/ Em che cho mẹ suốt ngày nắng râm” (Thanh Hào, trong bài Bóng mây, trang 44).
Ở bức tranh thơ khác (Mẹ ốm, trang 54), khi bé nông dân kia là thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa thì tầm vóc thơ ca của bé lại sâu đằm, vững chãi, cài cắm vào nền tảng văn hóa Việt, đạo đức Việt. Bài thơ như một vở kịch nhiều cảnh. Có cảnh tĩnh: “Lá trầu khô giữa cơi trầu/ Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay”. Có cảnh động: “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”, để rồi đứa bé ấy thoắt thành một nghệ sĩ lớn, dấn thân gánh lấy việc văn nghệ trị liệu cho mẹ mình: “Mẹ vui con có quản gì/ Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca/ Rồi con diễn kịch giữa nhà/ Một mình con sắm cả ba vai chèo”.
Ở bức tranh thơ có ông bố mặc bộ đồ du hành vũ trụ (Bố, Đỗ Văn Khoái, trang 56 + 57) thơ, bằng nhịp đồng dao, đưa đứa bé Việt vào những chuyển động, từ cưỡi ngựa, chèo thuyền, tới ngồi xe lửa, chạy xe hơi để tới đỉnh văn minh: “Bố là phi thuyền/ Em vào vũ trụ”, thì thật bất ngờ ở đỉnh cao khoa học này đứa bé Việt, trở nên người hơn, bình tĩnh, sáng suốt, để nhận ra trách nhiệm nhân văn của mình, trách nhiệm của đứa con ngoan! Đứa bé lớn vụt trong nhận thức nhân ái: “Bố là tất cả/ Bố ơi, bố ơi/ Nhưng khi bố mệt/ Bố là bố thôi”.
Có thể nói tinh tuyển này đã góp vào tiến trình văn học Việt Nam hiện đại một hình tượng đẹp của đứa bé Việt Nam, với chiều kích khi thì vút cao tưởng tượng thần thoại, khi thì thẳm sâu văn hóa bản địa, khi thì đà đậm nhân văn…
Những đóng góp văn bản học thú vị
Từ lâu trang giáo khoa và những khuông nhạc đã đóng khung bài Đi học của Hoàng Minh Chính bằng khổ kết: “Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi”. Bằng biên tập “tích cực” của những người soạn giáo khoa, bài thơ nguyên văn 5 khổ (trang 22) của Hoàng Minh Chính chỉ còn lại 3. Đây là một cách biên tập có lý, nhưng vẫn phải nói, cái hay của bài thơ cũng đã bị thất thoát khi người đọc không được thở không khí thời cuộc, được mô tả kỹ lưỡng trong khổ kết thật sự của bài: “Mũ rơm thơm em đội/ Hương cốm chen hương rừng/ Mỗi lẫn em tới lớp/ Hương theo em tới trường”.
Từ góc độ văn bản học, đếm kỹ thì thấy bài Mùa lúa chín của sách Tiếng Việt 2, bộ Cánh diều, xuất bản năm 2021, chỉ có 99 âm tiết, trong khi ở trong 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi (trang 34) thì có 100, chênh giữa “làm say” với “làm say say”. “Làm say” mới chỉ là nhận thức, nhưng “làm say say” đã là hình tượng sinh động, đã bắt đầu truyền sức chữ để lúa “biết đi”, biết “rầm rì” rủ nhau tinh nghịch chuyện động trời, “làm lung lay/ hàng cột điện”.
Ở trang 80 sách 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi xuất hiện một “sửa sai” quan trọng, nằm trong những dòng chú thích. “Bài thơ này xuất hiện lần đầu tiên trên báo Khăn quàng đỏ, số 50, ngày 12/12/1990, tác giả là Nguyễn Đặng Viên Phương (khi ấy ghi ở trường Nguyễn Thi, Q.3, TP.HCM), lâu này thường bị nhầm là của nhà thơ Viễn Phương”. Và từ nay sẽ khó bị nhầm nữa!
Đa dạng bút pháp viết cho thiếu nhi
Tuyển thơ như một “cột mốc” văn học sử, nhưng được trao cho một cá nhân tuyển chọn, là cách làm hay. Người chọn - nhà thơ Cao Xuân Sơn - nói rõ tiêu chí lựa chọn của mình: “65 tác giả, mỗi tác giả một bài. Có Bắc, Trung, Nam. Có trẻ có già (trẻ nhất là tác giả đứng đầu danh sách, Ngô Gia Thiên An, sinh 1999). Có cũ có mới. Có quen có lạ. Có thơ rộn ràng vào nhạc (như Em đi giữa biển vàng của Nguyễn Khoa Đăng - Bùi Đình Thảo, Đi học của Hoàng Minh Chính - Bùi Đình Thảo và thơ tung tăng bước ra từ ca khúc (như Em là hoa hồng nhỏ của Trịnh Công Sơn). Có trong vắt trong veo của tia nắng hạt mưa. Có vị chát đầu đời của lấm lem, cơ nhỡ… Hy vọng, lựa chọn của tôi sẽ mang đến cho các em và bạn yêu thơ những bất ngờ nho nhỏ”.
- Nhà thơ Cao Xuân Sơn - Muốn thêm kiếp nữa để nhọc nhằn với thơ
- Nhà thơ Cao Xuân Sơn với Con chuồn chuồn đẹp nhất
Người viết bài này bất ngờ khi được đọc những tác giả tự tin, trân trọng viết về thiếu nhi với “vị chát đầu đời của lấm lem, cơ nhỡ”… Tác giả Phạm Việt Thư (trang 116 - 117) để nhân vật thiếu nhi của mình bàn chuyện người lớn thời hậu chiến: “Ngày mai mẹ đi lấy chồng/ Tôi như là mớ bòng bong rối bời/ Thắp cho cha nén hương rồi/ Mong anh bộ đội sẽ cười với con”. Không chỉ mong ước, đứa bé ấy còn quyết đoán nhận lấy hy sinh để cùng gánh vác những nặng nề lịch sử để lại: “Đừng bàn tính nữa ai ơi/ Ngày mai là mẹ của tôi lấy chồng/ Tôi như con sáo trên đồng/ Thương con sáo mẹ sang sông hai lần”.
Bất ngờ được gặp lại những tác giả từng long đong trong trường văn trận bút do những va đập của quan niệm sáng tác! Được gặp lại nhà thơ Trần Mạnh Hảo ở trang 45: “Bà vẫn ngồi như thế/ Tóc bạc cả bình vôi/ Cháu muốn làm cây gậy/ Để dắt bà đi chơi”. Được gặp lại nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh ở trang 61 khi: “Bé khẽ mang chiếc lá/ Đặt vào vệt nắng vàng/ Ông nhặt lên chiếc nắng/ Quẫy nhẹ, mùa Thu sang”…
Bất ngờ khi… không được đọc thơ Cao Xuân Sơn, dù ông được những người đi trước trên con đường văn học thiếu nhi vinh danh là “hộ pháp” thơ thiếu nhi! Bước nhường này, tạo thêm nét đẹp bên lề của 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi.
Trần Quốc Toàn
Tags