(Thethaovanhoa.vn) - Gạt bỏ những định kiến về một cuốn sách được viết bởi người Pháp trong thời kỳ khai thác thuộc địa - cũng như những khó chịu về cụm từ “An Nam” từng được sử dụng - đây là một cuốn sách đáng đọc với cái tên đầy đủ Đế quốc An Nam và người dân An Nam - Tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán An Nam.
Sách được đăng lần đầu (nhiều kỳ) trên tờ Công báo Sài Gòn thư tín vào năm 1875 và 1876, xuất bản dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa. Dù sau này, cuốn sách được học giả Jules Silvestre biên soạn và chú giải nhưng về bản chất, đây không phải là công trình của một người.
Đọc nó, độc giả sẽ nhận ra đó là bản tóm tắt các quan sát chính xác, được theo dõi trong nhiều năm và trên các địa điểm khác nhau của xứ An Nam bởi những tác giả thành tín, sống hòa nhập với người bản địa và có những tả chính xác về đời sống dân chúng (có giả thiết, tài liệu này lấy cơ sở dữ liệu từ các nhà truyền giáo Pháp nửa đầu thế kỷ X19).
Gồm 2 phần với 13 chương tổng cộng, cuốn sách đề cập tới nhiều vấn đề thú vị: Sài Gòn trước khi Pháp chiếm đóng; Than đá ở Bắc kỳ; Thuế khóa; Dân số và tài chính của An Nam... Ở đó, không khó để nhận ra một điểm chung: Dù nhìn “An Nam” từ một con mắt khác, các tác giả của cuốn sách đã có những phân tích khá sắc sảo về tiềm năng, cũng như cá tính của người dân tại đây.
Điển hình, khi nhận xét về tính cách của “người An Nam”, họ cho rằng trước hết phải xem An Nam là quốc gia văn minh; sau Trung Hoa và Nhật Bản, không có dân tộc nào trong vùng Viễn Đông xứng đáng được khách viễn du chú ý hơn An Nam. Hoặc, dù dễ gây ấn tượng về sự dối trá và lạnh lùng, về bản chất, người An Nam luôn phân biệt giữa lý và tình, tức là họ chỉ nói dối khi thấy quá bất tiện để nói sự thật....
Sách do Omega Plus và NXB Đà Nẵng ấn hành.
Cúc Đường
Tags