(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/10, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Các đơn vị chức năng và địa phương tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn và thông tin cho tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tại nơi neo đậu; tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào trú tránh nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh áp thấp nhiệt đới; di chuyển người, lồng bè vào bờ đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu; có phương án đảm bảo an toàn cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực ngập sâu.
Bộ Công thương, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ lưu lượn nước đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Các tỉnh, thành phố rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19; sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều và hồ chứa; rà soát, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ; sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường trong tình huống bão, mưa lũ diễn biến phức tạp.
Các cơ quan báo chí đưa tin kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các địa phương và bộ, ngành liên quan duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
- Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7
- Tin bão mới nhất cơn bão số 7: Dự báo áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão số 7
- Khả năng xuất hiện liên tiếp hai cơn bão
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 7/10, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 lao động, hiện còn 60 tàu/ 480 lao động đang hoạt động trong khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, hiện các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tính đến 17 giờ ngày 6/10, có 529 tàu thuyền vận tải đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Bình Định, trong đó có 210 tàu biển và 319 phương tiện thủy nội địa.
Tỉnh Quảng Nam cấm biển từ 12 giờ ngày 6/10; tỉnh Quảng Trị cấm biển từ 18 giờ ngày 6/10.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân với phương án dự kiến 71.559 hộ/284.054 dân khu vực ven biển; đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Thông tin từ Vụ Quản lý đê điều, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có 41 vị trí đê điều xung yếu, trực diện biển và 20 công trình đê, kè đang thi công dở dang như: đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên-Huế; kè biển Xuân Hải, tỉnh Phú Yên…
Thắng Trung - TTXVN
Tags