(Thethaovanhoa.vn) - Clip cô giáo dạy học sinh cách đọc theo dấu chấm, ô vuông gây "bão" khi cư dân mạng cho rằng đây là cách dạy học kì lạ, thậm chí khó hiểu.
- Quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục
- PGS-TS Phạm Văn Tình: 'Đánh vần' trong tiếng Việt - nhìn từ lịch sử và ngôn ngữ học
- Ra mắt các tác phẩm văn học kinh điển Nga dịch sang tiếng Việt
Theo đó, nhiều trang mạng xã hội lan truyền clip quay lại cảnh cô giáo hướng dẫn học sinh học câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" bằng phương pháp nhìn vào dấu chấm, ô vuông để đọc thuộc lòng khiến cư dân mạng tranh cãi gay gắt vì cách dạy tập đọc kì lạ.
Từ khi xuất hiện đến nay, clip đã nhận được hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng với thái độ phản đối gay gắt, thậm chí muốn xé cuốn sách tập đọc của trẻ.
Nhiều tài khoản cho rằng, đây là cách dạy trẻ em học thuộc lòng gượng gạo không cần thiết. Vì sau khi học thuộc xong, trẻ em làm sao nhận diện được mặt chữ của từng từ để hiểu.
Theo ThS. Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài, cách đọc chữ theo dấu chấm, ô vuông là phương pháp của sách "Công nghệ giáo dục" do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên đã được thực nghiệm trong 40 năm qua cho 49 tỉnh, thành trên cả nước. Theo phương pháp này, trước khi học đánh vần theo chữ, trẻ em được dạy cách phân xuất lời nói thành các tiếng. Khi đó, trẻ sẽ hình dung mỗi ô vuông, dấu chấm (hay tam giác) là khối chữ trên trang sách.
Đến tiết học tiếp theo, trẻ mới bắt đầu nhận diện chữ và học cách đánh vần sao cho đúng. Vì trong một chuỗi lời nói, âm tố là vô nghĩa, chỉ có từ/tiếng mới có nghĩa. Và đến khi học đánh vần, trẻ sẽ ghi nhớ một tiếng là một âm trọn vẹn không thể chia cắt, chứ không phải là đọc nhiều âm như khi đánh vần. Từ đó, trẻ sẽ không đọc thừa chữ, thiếu chữ. “Cư dân mạng xuyên tạc cách dạy đọc như vậy là không nên”, Ths. Hoài nói.
“Việc cắt xén một tiết học để nhận diện âm rồi ghép với chuyện một phụ huynh bắt con mình đọc chữ và dùng lời lẽ thô bỉ chửi, mạt sát quả là xuyên tạc đến cùng. Lại có clip phụ huynh xé sách “Công nghệ giáo dục” nữa thì đúng là không thể chấp nhận được. Vì suốt 40 năm qua, ở hệ thống trường thực nghiệm, hàng triệu trẻ em học ở trường này vẫn đọc thông viết thạo”, một Tiến sĩ Ngữ văn trường đại học Quy Nhơn tỏ ra bức xúc.
Ông Phan Thế Hoài chia sẻ thêm, sách dạy cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại vẫn còn nhiều điều bàn cãi, kể cả những nhà khoa học thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ học. Thế nhưng, cộng đồng mạng nói chung và phụ huynh nói riêng không nên hoang mang từ những clip như thế này vì phương pháp này chỉ là việc khởi đầu cho cách dạy đánh vần tiếp theo.
Thế Hoài/Báo Tin tức
Tags